Tuesday, August 11, 2009

LỜI BẠT



Những người ấy bây giờ đang làm gì? những người bạn đã cùng tôi ‘du hành’ trên ‘chuyến tàu’ lớp học ấy mà?

Akira Takahashi

Takahashi, cậu bé đã đoạt tất cả những phần thưởng trong Ngày Hội Thể Thao, không bao giờ cao thêm được nữa, nhưng đã đậu cao vào một trường trung học nổi tiếng ở Nhật với đội bóng bầu dục. Sau đó, anh vào trường Đại học Meiji và đã lấy bằng kỹ sư điện tử.

Bây giờ, Takahashi làm công tác quản lý nhân sự ở một công ty điện tử lớn gần hồ Hamana ở miền Trung nước Nhật. Anh ấy nhận trách nhiệm điều phối nhân sự và lắng nghe những phàn nàn cũng như những khó khăn của nhân viên và giải quyết vấn đề cho ổn thỏa. Chính bản thân mình đã chịu đựng nhiều, anh ấy sẵn sàng hiểu được những khó khăn của người khác. Tính tình vui vẻ và tính cách có duyên của anh đã hỗ trợ đắc lực trong công việc này. Là một chuyên viên kỹ thuật, anh ấy cũng huấn luyện những nhân viên trẻ trong việc sử dụng những cổ máy lớn đang hoạt động dây chuyền.

Tôi đến Hamamatsu để thăm Takahashi và vợ anh – một người phụ nữ nhân hậu hiểu trọn lòng anh. Cô ấy kể cho tôi nghe nhiều chuyện về trường Tomoe như thể cô là người trực tiếp học ở đó vậy. Cô ấy chắc chắn với tôi rằng Takahashi không hề có mặc cảm về những khiếm khuyết cơ thể của anh ấy. Tôi tin chắc là cô ta nói đúng. Nếu mặc cảm trong cuộc sống anh ta khó có thể vào học ở một trường trung học nổi tiếng rồi bước vào ngưỡng cửa đại học, và bây giờ, anh cũng khó có thể làm việc ở một bộ phận điều hành nhân sự như thế.

Mô tả lại ngày đầu tiên ở trường Tomoe, Takahashi nói rằng ngay lập tức, anh ấy cảm thấy thoải mái ngay khi thấy ở đó cũng có nhiều bạn bè khuyết tật. Từ đó trở đi, anh không hề cảm thấy ngần ngại gì nữa và vui sướng được đến trường mỗi ngày đến nỗi anh không một lần muốn nghỉ học ở nhà. Anh ấy bảo tôi lúc đầu anh ấy rất e ngại khi bơi trong hồ mà không mặc áo quần. Thế nhưng trong khi lần lượt cởi đồ, sự e ngại và mắc cỡ dần dần bớt đi. Anh ấy cũng không còn ngại khi đứng trước những người khác để chia sẻ câu chuyện của mình trong giờ ăn trưa.

Anh ta kể tôi nghe thầy Kobayashi đã khích lệ anh nhảy lên con ngựa gỗ cao hơn anh ấy như thế nào, làm cho anh luôn tin chắc rằng anh có thể làm được việc đó, mặc dù bây giờ, anh nghi là thầy Kobayashi có thể đã giúp đưa anh lên trên ngựa gỗ ấy – thế mà từ đầu đến cuối, Thầy để cho anh ấy nghĩ rằng tự anh có thể làm được việc đó. Thầy Kobayashi đã cho anh một niềm tự tin và cho anh hiểu được niềm vui không sao kể xiết khi đạt đến thành công. Mỗi khi anh cố giấu mình trong sân trường, lần nào thầy hiệu trưởng cũng đem anh ra trước để anh phát huy một thái độ tích cực đối với cuộc sống dù muốn hay không. Anh vẫn còn nhớ anh hãnh diện làm sao khi đoạt được những giải thưởng. Vẫn đôi mắt sáng ngời và nhạy cảm như xưa, anh hồi tưởng về trường Tomoe trong niềm vui sướng.

Một môi trường gia đình lành mạnh chắc hẳn cũng đã góp phần làm cho Takahashi phát triển thành một con người hoàn thiện như vậy. Rõ ràng là thầy Kobayashi đã đối xử với tất cả chúng tôi với cách của một người nhìn xa thấy rộng. Giống như Thầy thường xuyên nói với tôi: “Em biết không, em thật sự là một cô bé tốt,” cũng theo cách khích lệ ấy, Thầy nói với Takahashi: “Em có thể làm được điều đó” và điều này là yếu tố quyết định có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của anh.

Khi tôi sắp rời Hamamatsu, Takahashi kể cho tôi nghe một chuyện mà tôi đã quên bẵng đi. Anh nói rằng trên đường đi đến trường Tomoe, anh thường xuyên bị những đứa trẻ trường khác dọa nạt và chọc ghẹo, do đó anh đến trường với mặt mày ỉu xìu. Lúc nào tôi cũng nhanh nhảu hỏi anh mấy đứa trẻ ấy đã làm gì anh. Thế rồi nhanh như chớp, tôi lao ra khỏi cổng. Một lát sau, tôi chạy về và tuyên bố chắc chắn rằng từ nay trở đi, sẽ không có chuyện đó xảy ra nữa.

“Lúc đó, cậu làm cho mình cảm thấy rất vui,” anh nói vậy khi chúng tôi chia tay. Tôi đã quên chuyện này rồi. Cám ơn Takahashi đã giúp tôi nhớ lại.

Miyo-chan (Miyo Kaneko)

Miyo-chan, con gái thứ ba của thầy Kobayashi, tốt nghiệp khoa Giáo dục Trường Đại học Âm nhạc Kunitachi, bây giờ đang dạy âm nhạc tại trường tiểu học nằm liền kề với trường đại học này. Giống như Ba, cô rất thích dạy trẻ em. Từ lúc cô bé mới có ba tuổi, thầy Kobayashi để ý thấy cô con gái nhỏ của mình đi và di chuyển thân hình theo điệu nhạc, học nói cũng vậy, và điều này giúp thầy nhiều trong việc giáo dục trẻ em.

Sakko Matsuyama (bây giờ là bà Saito)

Sakko-chan, cô bé có đôi mắt lớn, mặc chiếc áo khoác không có tay và có thêu con thỏ mà tôi gặp trong ngày đầu tiên tôi bắt đầu đi học ở trường Tomoe, đã vào học một trường mà vào thời ấy con gái rất khó vào được, đó là trường trung học Mita. Rồi cô ấy vào học khoa Tiếng Anh Trường Đại học Ki-tô giáo dành cho nữ sinh ở Tokyo và trở thành một giáo viên Anh văn với hội nữ thanh niên Ki-tô giáo, bây giờ vẫn còn ở đấy. Cô vận dụng thành công những kinh nghiệm cô có được ở trường Tomoe trong những kỳ cắm trại mùa hè.

Chồng cô là người cô quen biết trong khi cùng leo lên đỉnh Hotaka, một ngọn núi ở Nhật. Họ có con trai và đặt tên con là Yasutaka. Phần sau của tên cậu bé ‘taka’ là để kỷ niệm tên ngọn núi mà họ đã gặp nhau.

Taiji Yamanouchi

Tai-chan, cậu bé nói sẽ không cưới tôi, trở thành một trong những nhà vật lý hàng đầu ở Nhật. Anh ấy sống ở Mỹ, một ví dụ của sự ‘chảy máu chất xám.’ Anh ấy tốt nghiệp vật lý từ khoa Khoa học của Trường Đại học Sư Phạm Tokyo. Sau khi tốt nghiệp cao học Khoa học, anh ấy sang Mỹ học, theo chương trình trao đổi học bổng Fulbright và năm năm sau, hoàn tất chương trình tiến sĩ tại đại học Rochester. Anh ta ở đây, tiếp tục làm nghiên cứu thực nghiệm vật lý năng lượng cao. Hiện tại, anh ta làm việc tại Viện Thí nghiệm Gia tốc Quốc gia Fermi ở Illinois, một học viện lớn nhất thế giới. Anh làm trợ lý giám đốc ở đó. Đó là một viện nghiên cứu bao gồm những người tài giỏi nhất từ 53 trường đại học trên toàn nước Mỹ, một tổ chức khổng lồ có 145 nhà vật lý và 1,400 nhân viên kỹ thuật. Chừng ấy đủ biết Tai-chan tài giỏi như thế nào rồi. Viện thí nghiệm này thu hút sự chú ý trên thế giới cách đây 5 năm, khi thành công trong công trình tạo ra tia năng lượng cao, đến 500 tỷ vôn điện tử.

Gần đây, Tai-chan kết hợp với một giáo sư từ trường đại học Columbia, phát minh ra ‘upsilon’ trong ngành vật lý hạt nhân. Tôi tin chắc rằng một ngày nào đó, Tai-chan sẽ nhận được giải thưởng Nobel.

Tai-chan cưới một cô gái thông minh tốt nghiệp hạng ưu về ngành toán ở Trường Đại học Rochester. Với những cái đầu như thế, có lẽ Tai-chan sẽ bay xa, không luận là anh ta học ở trường tiểu học nào. Thế nhưng tôi nghĩ, hệ thống giáo dục ở trường Tomoe cho phép học sinh học các môn theo bất cứ thứ tự nào mình thích có lẽ cũng giúp cho cậu bé Tai-chan phát triển tài năng của mình hơn. Tôi không thể nhớ hết những gì anh ta làm trong lớp học, chỉ nhớ rằng cậu bé say mê với ngọn đèn cồn và bình thử nghiệm, rồi những ống nghiệm và đọc những cuốn sách rất khó hiểu về khoa học và vật lý.

Kinuo Oe

Oe, cậu bé kéo bím tóc của tôi, bây giờ đứng vào bậc nhất có thẩm quyền về hoa lan Viễn đông, những loại lan này có củ có trị giá hàng chục ngàn đô la. Anh ấy là một chuyên gia trong lĩnh vực này, và Oe bây giờ rất bận rộn và thường xuyên đi đây đó trên khắp nước Nhật. Thật khó mà có thể tìm được cơ hội nói chuyện với anh ấy qua điện thoại giữa những chuyến đi và chúng tôi chỉ có những cuộc đối thoại ngắn ngủi:

“Cậu đi đâu sau khi rời khỏi trường Tomoe?”

“Mình không đi đâu cả.”

“Cậu không đi đâu à? Tomoe là ngôi trường duy nhất của cậu?”

“Đúng rồi!”

“Trời ơi! Cậu không học trường trung học cơ sở nữa à?”

“Ồ, có. Mình có vào học trường trung học cơ sở Oita được vài tháng, rồi mình đi tản cư đến Kyushu.”

“Thế nhưng tốt nghiệp trung học cơ sở là bắt buộc phải không?”

“Đúng rồi. Nhưng mình không tốt nghiệp.”

“Trời đất! anh ấy mới may mắn làm sao!” tôi nghĩ. Trước chiến tranh, Ba của Oe là chủ một vườn ươm rộng lớn chiếm hầu hết khu vực có tên gọi Todoroki ở tây nam Tokyo, nhưng tất cả đều bị tiêu tan trong một trận ném bom.

Tính cách điềm tĩnh của Oe biểu hiện rõ ràng trong phần còn lại của câu chuyện giữa chúng tôi khi anh ta chuyển đề tài:

“Cậu có biết hoa nào thơm nhất không?”

Trong đầu, tôi nghĩ đó là hoa lan ‘nghinh xuân’ Trung quốc. Không có nước hoa nào có thể sánh lại. Tôi hỏi tiếp:

“Loại đó có đắt không?”

“Có loại đắt, có loại không.”

“Loại hoa đó trông ra sao?”

“Ồ, chúng không phô trương lắm. Hơi dịu một tí. Nhưng trông có duyên lắm.”

Cậu ấy không thay đổi nhiều so với khi còn học chung ở trường Tomoe. Nghe giọng nói thoải mái của Oe, tôi nghĩ “sự thật là anh ấy chưa từng tốt nghiệp một trường trung học cơ sở và điều này không làm bận tâm anh ấy tí nào. Anh làm theo cách riêng của mình và thật sự tin tưởng vào chính bản thân mình.” Tôi không thể nào tưởng tượng nổi.

Kazuo Amadera

Amadera, cậu bé yêu mến loài vật, muốn trở thành một bác sĩ thú y và có một nông trại. Thế nhưng không may, Ba anh ấy mất sớm và cuộc sống của anh chuyển hướng trầm trọng. Anh bỏ học ở Trường Đại học Y khoa thú y và chăn nuôi Nhật Bản để tìm việc làm tại bệnh viện Keio. Hiện tại, anh làm tại Bệnh viện Trung ương của lực lượng tự vệ và giữ một vị trí có trách nhiệm trong công tác chẩn đoán lâm sàng.

Aiko Saisho (bây giờ là bà Tanaka)

Aiko Saisho, có người chú nổi tiếng là đô đốc Togo, chuyển từ trường tiểu học trực thuộc Aoyama Gakuin về trường Tomoe. Tôi thường nghĩ cô bé ngày ấy đã là một người điềm tĩnh và ra dáng một phụ nữ trẻ. Có lẽ cô bé trông như thế bởi vì cô mất Ba – thiếu tá trung đoàn III – đã bị giết trong trận xô xát với người Mãn châu.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học nữ Kamakura, Aiko cưới một kiến trúc sư. Bây giờ, cả hai con trai của cô ấy đã lớn và đi làm, cô ấy dành nhiều thời giờ giải trí để làm thơ.

“Như vậy, cậu tiếp tục truyền thống của người cô là nhà thơ lừng danh dưới triều vua Meiji chứ gì?” tôi hỏi.

“Ồ, không!” cô ấy trả lời, cười với vẻ ngượng nghịu.

“Cậu vẫn nhã nhặn như khi còn ở trường Tomoe ấy,” tôi nói, “và ủy mị đầy nữ tính nữa.” Nghe nói thế, cô ấy mạnh dạn hơn trong cách trả lời: “Cậu biết không, dáng mình bây giờ cũng giống như lúc mình đóng vai Benkei vậy!”

Giọng cô ấy khiến cho tôi nghĩ cô ấy có một mái gia đình vui vẻ và đầm ấm lắm.

Keiko Aoki (Bây giờ là bà Kuwabara)

Keiko-chan, cô bé có mấy con gà biết bay, bây giờ cưới một giáo viên ở trường tiểu học thuộc đại học Keio. Cô ấy có một đứa con gái đã lập gia đình.

Yoichi Migita

Migita, đứa bé luôn hứa sẽ đem mấy cái bánh bao đám tang ấy, lấy văn bằng về nghệ thuật làm vườn, nhưng anh ấy đam mê hội họa nên đã trở lại đi học đại học và tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Musashini. Bây giờ, anh ấy mở công ty thiết kế đồ họa riêng.

Ryo-chan

Ryo-chan, người phu trường, đã ra chiến trận và sau khi giải ngũ, trở về với gia đình an toàn và mạnh khỏe. Chú ấy không bao giờ vắng mặt trong ngày họp mặt đoàn tụ trường Tomoe vào ngày 3 tháng 11 hằng năm.