Viết về ngôi trường có tên Tomoe và thầy Sosaku Kobayashi, người thành lập và điều hành ngôi trường ấy là một trong những điều tôi mong muốn nhất trong một thời gian dài.
Tôi không sáng chế ra một tình tiết nào cả. Tất cả đều là những sự kiện có thật đã xảy ra và may mắn, tôi nhớ lại được một ít chi tiết trong số đó. Bên cạnh ý muốn đặt bút viết ra những điều ấy, tôi lại lo bổ sung những chi tiết đáng tin cậy đã bị bỏ sót. Như tôi đã mô tả trong một phần mục, khi còn bé, tôi hứa trịnh trọng với thầy Kobayashi là khi lớn lên, tôi sẽ dạy tại trường Tomoe. Tuy nhiên, tôi không thể thực hiện được lời hứa đó. Thay vào đó, tôi cố gắng bộc lộ với càng nhiều người càng tốt, con người thầy Kobayashi là như thế, lòng yêu thương trẻ em là như vậy đó và cách thầy dạy dỗ trẻ em như thế nào.
Thầy Kobayashi mất vào năm 1963. Nếu Thầy còn sống đến ngày hôm nay, Thầy có thể làm được nhiều việc hơn là những điều Thầy đã nói ra. Ngay cả khi tôi viết cuốn sách này, tôi nhận ra rằng có nhiều tình tiết, đối với tôi, dường như chỉ là những ký ức vui đẹp của thời thơ ấu, nhưng thật ra, đó là những hoạt động Thầy đã khéo nghĩ ra để đạt được một mục đích giáo dục nào đó. “Vậy là, đây là điều mà Thầy đã để tâm đến rồi,” tôi nhận ra mình đang nghĩ ngợi. Hay là “Chỉ nghĩ đến điều ấy thôi là đã thấy Thầy tuyệt vời.” Với mỗi một điều tôi khám phá ra, tôi đều cảm thấy ngạc nhiên, vô cùng cảm động và biết ơn.
Trong trường hợp của tôi, thật không thể tả cho hết Thầy đã nuôi lớn tôi như thế nào bằng cách thường xuyên nói với tôi “em có biết không, em thật sự là một cô bé tốt.” Nếu tôi không vào trường Tomoe học và không gặp được thầy Kobayashi, có lẽ tôi sẽ bị dán cái nhãn là ‘cô bé xấu’ và trở nên đầy mặc cảm và lầm lạc.
Trường Tomoe bị cháy sập trong một trận tấn công bất ngờ bằng máy bay ở Tokyo vào năm 1945. Thầy Kobayashi đã bỏ tiền túi ra xây ngôi trường này, do đó muốn xây dựng lại cũng cần phải có thời gian. Sau chiến tranh, Thầy bắt đầu thành lập một nhà trẻ trên nền trường cũ, đồng thời Thầy giúp đỡ để thành lập một cơ sở mà ngày nay được gọi là ‘Khoa giáo dục trẻ em’ của trường Đại học Âm nhạc Kunitachi. Thầy cũng dạy thể dục nhịp điệu ở đấy và hỗ trợ trong việc thành lập Trường tiểu học Kunitachi. Thầy mất và hưởng thọ 69 tuổi, khi chưa kịp thành lập trở lại một ngôi trường lý tưởng.
Trường Tomoe nằm ở hướng tây bắc của Tokyo. Từ nhà ga Jitugaoka đi bộ khoảng ba phút trên đường Toyoko là đến nơi. Khu đất ấy bây giờ được sử dụng làm siêu thị ‘Con Công’ và bãi đậu xe. Một ngày nọ, tôi trở lại nơi ấy với bao luyến tiếc về quá khứ trong lòng, dù tôi biết rằng không còn dấu vết gì của ngôi trường xưa trên mảnh đất ấy nữa. Tôi lái xe chạy chầm chậm qua bãi đậu xe, nơi mà trước kia là dãy lớp học bằng các toa tàu và sân chơi. Người giữ xe trong bãi thấy xe tôi và nói lớn: “Cô không vào được, cô không vào được. Hết chỗ rồi!”
Tôi muốn nói là “Tôi không muốn đậu xe. Tôi chỉ muốn gợi nhớ lại những kỷ niệm.” Thế nhưng ông ấy chắc hẳn không hiểu, do đó tôi chạy đi. Rồi một nỗi buồn mênh mang bao phủ tôi và dòng lệ nhẹ lăn trên gò má khi tôi cho xe chạy lướt qua.
Tôi biết chắc khắp nơi trên thế giới có nhiều nhà giáo dục tốt - những người có lý tưởng cao vời và lòng yêu thương trẻ vô bờ bến - những người như thế có ước mơ xây dựng những ngôi trường lý tưởng. Và tôi biết khó khăn dường nào để biến ước mơ ấy thành hiện thực. Thầy Kobayashi trải qua hàng năm nghiên cứu trước khi mở trường Tomoe vào năm 1937 và ngôi trường này bị cháy trụi vào năm 1945. Như vậy, ngôi trường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi.
Tôi tin rằng trong khoảng thời gian tôi học là lúc nhiệt tâm của thầy Kobayashi lên đến đỉnh cao và chương trình đào tạo của Thầy cũng đang ở vào thời kỳ hoàng kim. Thế nhưng tôi nghĩ, biết bao trẻ em nữa sẽ nhận được sự chăm sóc và dạy dỗ của Thầy nếu không có chiến tranh. Tôi buồn cho sự uổng phí đó.
Tôi đã cố gắng miêu tả những phương pháp giáo dục của thầy Kobayashi trong cuốn sách này. Thầy tin rằng trẻ em sinh ra vốn có bản chất tốt bẩm sinh, song bản chất ấy có thể dễ mất đi do môi trường và sự can thiệp không đúng cách của người lớn. Mục đích của Thầy là khám phá ra ‘bản chất tốt’ nơi chúng và làm cho nó phát triển, để rồi trẻ em sẽ lớn lên, thành những con người có tính cách riêng.
Thầy Kobayashi coi trọng cái tự nhiên và muốn để cho những đặc tính của trẻ em phát triển càng tự nhiên càng tốt. Thầy cũng yêu thiên nhiên. Đứa con gái nhỏ của thầy, Miyo-chan, bảo tôi rằng Ba cô bé thường dắt cô bé đi dạo khi Miyo-chan còn nhỏ và nói rằng “hãy đi và tìm giai điệu trong thiên nhiên.”
Thầy dắt Miyo-chan đến một cây lớn và chỉ cho cô bé biết cành lá rung rinh trong gió như thế nào. Thầy chỉ ra mối liên hệ giữa lá, cành và thân cây, và mức độ rung rinh của lá tùy thuộc vào gió mạnh hay nhẹ. Hai cha con đứng yên và quan sát cảnh vật như thế. Nếu không có gió, cả hai kiên nhẫn chờ đợi, quay mặt ngược về hướng gió để có thể nhận ra ngay cả cơn gió hiu hiu nhẹ thổi phớt qua. Không chỉ học với gió, họ còn quan sát những dòng sông. Họ thường đến con sông Tama gần đấy và xem dòng nước lượn lờ trôi. Họ không bao giờ mỏi mệt với những việc như thế, cô bé kể cho tôi nghe.
Bạn đọc có thể thắc mắc làm thế nào mà các cơ quan thẩm quyền ở Nhật trong thời chiến tranh lại cho phép một trường tiểu học khác thường tồn tại, nơi mà việc học được thực hiện trong một không khí tự do như vậy. Thầy Kobayashi không thích những gì có tính phô trương. Ngay cả trước chiến tranh, thầy không cho phép công bố hình ảnh của trường hay cái gì mang tính đại chúng về sự khác thường của ngôi trường này. Đó có thể là một lý do để ngôi trường nhỏ chỉ có khoảng 50 học sinh này có thể tránh được sự dòm ngó và tiếp tục đi vào hoạt động. Một lý do nữa là bộ giáo dục đánh giá cao về thầy Kobayashi, tin tưởng Thầy là một nhà giáo dục tốt.
Mỗi năm, cứ đến ngày 3 tháng 11, ngày chứa đầy kỷ niệm đẹp của Ngày Hội Thể Thao, học sinh trường Tomoe, không luận là tốt nghiệp khi nào, đều trở về có mặt tại một căn phòng ở đền Kuhonbutsu để có một cuộc đoàn tụ vui vẻ. Mặc dù tất cả chúng tôi bây giờ đã vào tuổi bốn mươi, vài người đã gần năm mươi và đã có con cái lớn rồi, nhưng chúng tôi vẫn gọi nhau bằng cái tên trẻ con của thuở còn thơ. Những cuộc họp mặt như vầy là một trong những di sản đẹp mà chúng tôi thừa hưởng được từ thầy Kobayashi.
Thật ra tôi bị đuổi học từ trường tiểu học đầu tiên. Tôi không nhớ nhiều về ngôi trường ấy – Mẹ tôi kể lại chuyện những người hát rong và chuyện cái bàn. Tôi thấy thật khó tin là tôi bị đuổi học. Chả lẽ tôi lại nghịch ngợm như thế sao? Tuy nhiên, cách đây 5 năm, khi tôi tham gia vào chương trình truyền hình buổi sáng, trong đó, tôi được giới thiệu với một người biết tôi vào thời ấy. Hóa ra đó là cô giáo chủ nhiệm lớp bên cạnh lớp tôi học. Tôi lặng người đi khi nghe những gì cô ấy kể lại.
“Lúc đó em học ở lớp ngay bên cạnh lớp cô dạy,” cô ấy nói, “và khi cô có việc phải về phòng hội đồng trong lúc đang học, cô thường thấy em đứng ở hành lang vì vi phạm lỗi gì đó. Khi cô đi ngang, em thường chặn cô lại và hỏi tại sao em bị bắt đứng ở hành lang và em đã làm điều gì sai. “Bộ cô không thích mấy người hát rong à?” có lần em hỏi cô như thế. Cô không biết làm thế nào để xử sự với em thế nào cho phải. Do đó, cuối cùng, khi cô muốn đến phòng hội đồng, cô phải lén nhìn trước, nếu thấy em đứng đó, cô tránh không đi. Cô giáo chủ nhiệm của em thường phàn nàn với cô ở phòng hội đồng về em. Cô ấy thường nói “tôi tự hỏi tại sao cô bé đó lại như vậy?” Đó là lý do tại sao, trong những năm sau này, khi em bắt đầu xuất hiện trên ti vi, cô nhận ra tên em ngay lập tức. Lâu lắm rồi, nhưng cô nhớ em một cách rõ ràng khi em còn học lớp một.”
Bộ tôi bị phạt phải đứng ngoài hành lang à? Tôi không hề nhớ việc này và thấy vô cùng ngạc nhiên. Đó là một cô giáo tóc hoa râm, trông có vẻ trẻ trung, với khuôn mặt đôn hậu, người đã bị tôi quấy rầy, đã đến vào một chương trình ti vi buổi sáng, người cuối cùng làm cho tôi tin rằng tôi thật sự bị đuổi học.
Và đây, tôi muốn biểu lộ lòng chân thành biết ơn Mẹ tôi, người đã không nói cho tôi biết điều này cho đến sau lần sinh nhật thứ 20 của tôi.
“Con có biết tại sao con chuyển trường khi còn học tiểu học không?” một hôm Mẹ hỏi tôi. Khi tôi trả lời rằng không biết, Mẹ nói tiếp một cách lãnh đạm, “bởi vì con bị đuổi học.”
Vào thời điểm đó, có thể Mẹ nói “Điều gì sẽ xảy ra với con nữa đây? Con đã bị đuổi học từ một trường rồi. Nếu con bị đuổi khỏi một trường nữa, con sẽ đi đâu đây?”
Nếu lúc đó Mẹ nói với tôi như thế, tôi sẽ cảm thấy khốn khổ và lo lắng thế nào khi bước đến cổng trường Tomoe trong ngày đầu tiên tôi đến đó. Cái cổng trường có rễ và những lớp học trên các toa tàu hầu như không thể làm cho tôi vui nổi. May mắn làm sao, tôi có được một người Mẹ như thế.
Trong thời chiến tranh, chỉ có một ít hình được chụp tại trường Tomoe. Trong số đó, những tấm hình tốt nghiệp là đẹp nhất. Lớp ra trường thường chụp hình trên các bậc cấp ở trước hội trường. Nhưng những khi học sinh tốt nghiệp bắt đầu xếp hàng và hô lên: “Đứng vào, chụp hình nè!” những học sinh khác cũng muốn đứng vào, do đó, bây giờ, thật khó có thể nói lớp nào đang ra trường. Chúng tôi thường thảo luận sôi nổi về đề tài này trong các cuộc họp mặt. Thầy Kobayashi không bao giờ nói gì về những tấm hình này được chụp trong những dịp nào. Có lẽ thầy nghĩ rằng có được một tấm hình sống động của mọi người ở ngôi trường này vẫn tốt hơn là tấm hình tốt nghiệp có tính hình thức. Bây giờ nhìn chúng, những tấm hình này chính là đại diện cho trường Tomoe.
Còn nhiều điều nữa tôi muốn viết về trường Tomoe. Thế nhưng, tôi sẽ hài lòng nếu với ngần ấy điều đã viết ra đây, tôi đã làm cho mọi người hiểu được rằng, làm thế nào mà ngay cả một cô bé như Totto-chan, được sự can thiệp đúng đắn từ người lớn, có thể trở thành một con người có thể sống hài hòa được với người khác như vậy.
Tôi hoàn toàn tin chắc rằng, bây giờ, nếu có nhiều trường giống như trường Tomoe, sẽ ít đi những bạo động mà ngày nay chúng ta nghe quá nhiều và cũng có ít học sinh bỏ học. Ở trường Tomoe, không ai muốn về nhà liền sau khi tan trường. Và vào mỗi buổi sáng, chỉ mong sao cho nhanh đến trường. Tomoe là một loại trường như thế đấy.
Thầy Sosaku Kobayashi - một con người đầy linh phấn và có tầm nhìn cao rộng, đã thành lập một ngôi trường tuyệt vời - sinh ngày 18 tháng 6 năm 1893, ở một vùng quê thuộc miền tây bắc Tokyo. Thiên nhiên và âm nhạc là nguồn đam mê của Thầy. Khi còn bé, Thầy đã từng đứng bên bờ sông gần nhà, với đỉnh Haruna ở đằng xa xa, và thấy như dòng nước tuôn ra là một giàn nhạc do Thầy ‘đạo diễn.’
Thầy là con út trong một gia đình nông dân hơi nghèo có sáu anh chị em. Thầy đã từng làm trợ giảng sau khi học xong tiểu học. Tuy nhiên, có được bằng cấp cần thiết để được chấp nhận làm công việc ấy, là cả một kỳ công đối với một đứa trẻ vào tuổi đó, và điều này cho thấy một tài năng phi thường ở Thầy. Chẳng bao lâu, Thầy được nhận vào dạy ở một trường tiểu học tại Tokyo, nơi Thầy đã kết hợp việc dạy với nghiên cứu âm nhạc. Điều này cuối cùng giúp Thầy thực hiện được hoài bão Thầy hằng ấp ủ và vào học khoa giáo dục âm nhạc của một nhạc viện nổi tiếng nhất ở Nhật, nay là Trường Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Tokyo. Khi tốt nghiệp, Thầy trở thành người hướng dẫn âm nhạc cho trường tiểu học Seikei do Haruji Nakamura thành lập. Ông Haruji Nakamura là một người tuyệt vời, ông tin rằng giáo dục một đứa trẻ ở cấp tiểu học là quan trọng nhất. Ông tổ chức những lớp học nhỏ, ít học sinh và chủ trương một chương trình học chú trọng nhiều đến tính tự do để đem đến cho đứa trẻ một cá tính riêng biệt và khích lệ tinh thần tự trọng ở chúng. Thời gian buổi sáng là học, còn buổi chiều thì dành cho việc đi dạo, sưu tầm cây, vẽ phác thảo, hát và nghe thầy hiệu trưởng thuyết trình. Thầy Kobayashi chịu ảnh hưởng rất lớn về phương pháp của ông và về sau, thành lập một chương trình giáo dục tương tự như vậy ở trường Tomoe.
Trong thời gian dạy âm nhạc tại đây, thầy Kobayashi viết một bản hài kịch thiếu nhi cho học sinh biểu diễn. Bản hài kịch ấy gây ấn tượng cho nhà tư bản công nghiệp Baron Iwasaki. Gia đình ông ta thành lập công ty kinh doanh khổng lồ Mitsubishi. Ông Baron Iwasaki là người ủng hộ âm nhạc. Ông giúp cho Koscak Yamada, giúp nhiều nhà soạn nhạc người Nhật lão thành, cũng như ủng hộ tài chính cho trường. Gia đình ông Baron đã đưa ông Kobayashi sang Châu Âu để nghiên cứu phương pháp giáo dục.
Thầy Kobayashi trải qua hai năm, từ năm 1922 đến năm 1924, ở Châu Âu, thăm nhiều trường và học thể dục nhịp điệu với ông Emile Jacques-Dacroze ở Paris. Khi trở về, Thầy cùng với một người khác mở trường mầm non. Thầy Kobayashi thường nói với các cô giáo mầm non rằng, đừng cố nhét trẻ em vào những cái khuôn đã đúc sẵn. “Hãy để chúng cho tự nhiên,” Thầy nói “đừng gò bó những hoài bão của chúng. Những điều chúng mơ ước thường lớn hơn chúng nhiều.” Chưa hề có một trường mầm non nào như thế ở Nhật.
Vào năm 1930, thầy Kobayashi sang Châu Âu một năm nữa để học với ông Dalcroze, đi khắp nơi và quan sát, rồi quyết định tự mình mở riêng trường khi trở về Nhật.
Bên cạnh việc bắt đầu trường Tomoe vào năm 1937, Thầy còn thành lập Hội thể dục nhịp điệu Nhật Bản. Hầu hết mọi người nhớ đến Thầy như là một người giới thiệu thể dục nhịp điệu vào nước Nhật và đóng góp của Thầy tại Trường Đại học Âm nhạc Kunitachi sau chiến tranh. Có rất ít người có kinh nghiệm trực tiếp với phương pháp giáo dục của Thầy, và một điều đáng buồn là Thầy mất đi trước khi có thể thành lập một trường khác như Tomoe. Ngay cả khi nó bị cháy rồi, Thầy đã vạch kế hoạch cho một ngôi trường đào tạo tốt hơn. “Sau này chúng ta sẽ xây một trường theo mô hình nào?” Thầy hỏi, bằng một tinh thần bất khuất, không nản lòng trước những hỗn loạn đang diễn ra xung quanh.
Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi vô cùng ngạc nhiên biết rằng người chủ nhiệm của “phòng Tetsuko,” chương trình phỏng vấn hằng ngày trên ti vi, đã từng làm nghiên cứu về Thầy Kobayashi trong cả thập niên. Ông ta chưa từng gặp nhà giáo dục này, nhưng niềm linh phấn của ông về Thầy Kobayashi khởi lên qua một người phụ nữ đã từng đánh đàn pi-a-nô cho bọn trẻ trong những giờ học thể dục nhịp điệu. “Cô biết không, trẻ em không thể bước nhanh như thế,” thầy Kobayashi nói cô ấy điều chỉnh nhịp điệu khi cô mới đánh đàn ở trường Tomoe. Thầy là một người sống hài hòa với bọn trẻ đến mức Thầy biết chúng nó đến từng nhịp thở bước đi. Tôi hy vọng ông Kazuhiko Sano, người chủ nhiệm chương trình của tôi, sẽ viết một cuốn sách trong thời gian tới, để nói cho mọi người trên thế giới biết thêm về một con người đặc biệt như thế.
Cách đây 20 năm, một biên tập viên trẻ rất năng nổ của nhà xuất bản Kodansha đã để ý đến bài viết ngắn mà tôi viết về trường Tomoe trong một tạp chí phụ nữ. Anh ấy đến gặp tôi, mang theo một mớ giấy, yêu cầu tôi khai triển thêm bài viết đó thành một cuốn sách. Thật tội lỗi! Tôi đã dùng xấp giấy đó vào một việc khác, và anh ấy đã trở thành giám đốc nhà xuất bản trước khi ý kiến của anh ấy trở thành hiện thực. Thế nhưng chính anh ấy, Katsuhisa Kato, đã cho tôi ý kiến, và cả sự tự tin, để viết được cuốn sách này. Nếu thời điểm ấy tôi không viết được nhiều, thì việc viết cả cuốn sách xem ra có thể làm nản lòng. Cuối cùng, người ta khuyến khích tôi viết mỗi lần một chương để đăng trên Tạp chí Phụ Nữ Trẻ của Kodansha mà tôi đã cộng tác từ tháng 2 năm 1979 đến tháng 12 năm 1980.
Mỗi tháng, tôi đều đến thăm viện bảo tàng Chihiro Iwasaki về sách tranh ảnh ở Shimo-shakuji, Nerimaku, và Tokyo để sưu tầm tranh minh họa. Chihiro Iwasaki là một thiên tài trong việc minh họa thiếu nhi, và tôi tự hỏi không biết ở nơi nào khác trên thế giới, liệu có một người họa sĩ nào có thể vẽ thiếu nhi sống động được như nữ họa sĩ này không. Bà có thể thể hiện hình ảnh trẻ trong muôn vàn trạng thái và thái độ khác nhau và có thể phân biệt được một em bé sáu tháng với một em bé chín tháng tuổi. Tôi không thể nào kể cho các bạn nghe rằng tôi đã vui sướng thế nào khi tôi có thể sử dụng những tranh của bà trong cuốn sách của mình. Những bức tranh này phù hợp với câu chuyện của tôi đến kỳ lạ. Bà ấy mất năm 1974, nhưng nhiều người hỏi tôi có phải tôi bắt đầu viết cuốn sách này từ khi bà còn sống không, vì những bức tranh của bà thể hiện rất thật với cuộc sống và bà đã minh họa thiếu nhi qua vô số cách khác nhau.
Chihoro Iwasaki để lại gần bảy ngàn bức tranh và tôi may mắn được xem rất nhiều bản gốc các bức vẽ qua người con trai tốt bụng của bà, cũng là người trợ lý viện bảo tàng, và vợ anh ta. Tôi muốn gửi lời cám ơn đến chồng của cố họa sĩ, đã cho phép tôi dùng lại những tác phẩm của bà. Tôi cũng cám ơn nhà viết kịch Tadasu Iizawa, quản lý viện bảo tàng mà nay tôi là một ủy viên, cứ khuyến khích tôi bắt đầu viết trong khi tôi còn chần chừ.
Miyo-chan và những bạn bè khác của tôi ở trường Tomoe, đương nhiên, là một nguồn hỗ trợ lớn lao. Tôi xin chân thành cảm ơn Keiko Iwamoto, người biên tập phiên bản tiếng Nhật của cuốn sách này, và luôn nói rằng “Chúng ta phải làm sao để cuốn sách này thành một cuốn sách tuyệt vời.”
Tôi nảy ra ý kiến cho cái tựa sách tiếng Nhật từ một cách diễn đạt phổ biến cách đây vài năm để chỉ cho những người ‘ở bên ngoài cửa sổ’ – nghĩa là những người đang ở bên lề hay ngoài trời lạnh. Mặc dù tôi thường đứng ở cửa sổ là do tôi muốn thế để có thể nhìn thấy những người hát rong, tôi cảm thấy tôi ‘ở bên ngoài cửa sổ’ đối với ngôi trường tiểu học thứ nhất – cảm thấy xa lạ và chịu đựng quá nhiều giá lạnh. Tựa đề có những ngụ ý đó, ngoài ra còn có thêm một ý nữa – cánh cửa hạnh phúc cuối cùng đã mở ra cho tôi tại trường Tomoe.
Trường Tomoe không còn nữa. Thế nhưng nếu nó sống được một lát trong trí tưởng tượng của bạn khi đọc cuốn sách này, tôi không có niềm vui nào lớn hơn thế nữa.
Một năm trôi qua giữa lần xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Nhật và khi nó ra mắt bạn đọc bằng tiếng Anh, có nhiều sự kiện xảy ra. Trước hết, không ngờ, cuốn sách đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất. Totto-chan nhỏ bé đã làm nên lịch sử xuất bản ở Nhật, bán hết 4.500.000 bản trong một năm.
Kế tiếp, tôi rất vui khi thấy người ta đọc nó như là một cuốn sách giáo khoa về giáo dục. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ cung cấp tư liệu cho giáo viên và phụ huynh biết rằng đã từng có một người hiệu trưởng như Thầy Kobayashi. Nhưng tôi không tưởng tượng được cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến thế. Có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy mọi người trên khắp nước Nhật quan tâm sâu sắc đến tình hình giáo dục hiện nay.
Với trẻ em, đây là một cuốn truyện. Nhiều ý kiến trả lời trong cuộc điều tra dư luận cho thấy dầu vẫn có những từ khó trong cuốn sách, với sự hỗ trợ của tự điển, trẻ em lên bảy đã đọc được cuốn sách của tôi. Tôi không thể nào nói hết được niềm vui của tôi về điều này. Một nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản, 103 tuổi, viết: “Tôi thích quyển sách vô cùng.” Thế nhưng, một điểm đáng lưu ý hơn cả là trẻ em đang thật sự thích đọc cuốn sách này dù phải tra từ khó, trong khi truyện hài hay truyện tranh đều làm chúng say mê, và chính các em cũng nói rằng các em không thích truyện toàn là chữ.
Sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, các công ty dồn dập yêu cầu tôi cho phép họ chuyển câu chuyện của tôi sang các thể loại nghệ thuật khác như phim, chương trình tivi, biên kịch và phim hoạt họa. Nhưng đã có quá nhiều người đọc cuốn sách này và họ đã xây dựng cho mình một hình tượng riêng trong lòng, tôi nghĩ thật khó có thể làm cho họ phát triển trí tưởng tượng thêm được, cho dù người đạo diễn có tài ba đến mấy chăng nữa. Do đó, tôi từ chối những lời yêu cầu của họ.
Tuy nhiên, tôi đồng ý cho chuyển nội dung quyển sách sang âm nhạc bởi vì âm nhạc không gò bó khả năng tưởng tượng. Tôi yêu cầu Akihiro Komori – một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều nhạc khúc rất hay – viết bố cục. Nhạc giao hưởng về câu chuyện ‘Totto-chan: cô bé bên cửa sổ’ mà tôi kể đã thành công rực rỡ, cả hội trường vang đầy tiếng khóc cười xen kẽ nhau. Trên cơ sở đó, ông làm thành một cuộn băng.
Cuốn sách bây giờ đã trở thành tài liệu dạy chính thức. Với sự chấp thuận của Bộ giáo dục, chương “Thầy giáo dạy làm vườn” sẽ được sử dụng trong môn học ‘Tiếng Nhật’ lớp ba bắt đầu áp dụng từ năm học tới và chương “Ngôi trường cũ tồi tàn” có trong sách ‘Đạo Đức’ lớp bốn và môn ‘Giáo dục Công dân.’ Giáo viên đã sử dụng cuốn sách này theo cách riêng của họ. Ví dụ khi học môn ‘nghệ thuật,’ tôi nghe giáo viên đọc cho học sinh nghe một chương, rồi yêu cầu học sinh vẽ bức tranh về sự kiện nào chúng tâm đắc nhất.
Tôi đã thực hiện được giấc mơ tôi hằng ấp ủ là thành lập một rạp hát chuyên nghiệp cho trẻ em khiếm thính nhờ vào tiền nhuận bút từ cuốn sách này, và nhờ nó, tôi nhận được một giải thưởng ‘Người thật Việc thật’ và ba giải thưởng khác. Về phương diện xã hội, dạo gần đây, tôi vinh dự được mời, cùng với những vị khách đặc biệt, có cả người đoạt giải Nobel hóa học Ken’ichi Fukui, đến dự tiệc ở Vườn xuân Hoàng gia, nơi tôi may mắn có được cuộc gặp gỡ trao đổi thoải mái với Đức vua. Và năm ngoái, tôi được thủ tướng tuyên dương trong dịp tưởng niệm ‘Năm quốc tế dành cho người khuyết tật.’ Cuốn sách tôi khát khao viết ấy đã đem lại những sự kiện vui như thế trong thời gian qua.
Cuối cùng tôi xin gởi lời chân thành cám ơn đến Dorothy Britton, người đã dịch cuốn sách của tôi sang tiếng Anh. Tôi thật may mắn khi tìm được một người dịch tuyệt vời như thế. Thật ra, cô vừa là một nhạc sĩ vừa là một nhà thơ. Do đó, cô đã đem câu chuyện của tôi vào tiếng Anh vừa giàu âm điệu vừa giàu cảm xúc làm cho người đọc rất thích.
Và đây, một lần nữa, tôi muốn gởi lời cám ơn đến nhà soạn nhạc ‘Đường rộng’ Harold Rome và phu nhân ông, bà Florence, những người đã khuyến khích tôi xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh trong khi tôi vừa mới hoàn thành chương thứ nhất của cuốn sách.
TETSUKO KUROYANAGI
Tokyo, 1982.
Tôi không sáng chế ra một tình tiết nào cả. Tất cả đều là những sự kiện có thật đã xảy ra và may mắn, tôi nhớ lại được một ít chi tiết trong số đó. Bên cạnh ý muốn đặt bút viết ra những điều ấy, tôi lại lo bổ sung những chi tiết đáng tin cậy đã bị bỏ sót. Như tôi đã mô tả trong một phần mục, khi còn bé, tôi hứa trịnh trọng với thầy Kobayashi là khi lớn lên, tôi sẽ dạy tại trường Tomoe. Tuy nhiên, tôi không thể thực hiện được lời hứa đó. Thay vào đó, tôi cố gắng bộc lộ với càng nhiều người càng tốt, con người thầy Kobayashi là như thế, lòng yêu thương trẻ em là như vậy đó và cách thầy dạy dỗ trẻ em như thế nào.
Thầy Kobayashi mất vào năm 1963. Nếu Thầy còn sống đến ngày hôm nay, Thầy có thể làm được nhiều việc hơn là những điều Thầy đã nói ra. Ngay cả khi tôi viết cuốn sách này, tôi nhận ra rằng có nhiều tình tiết, đối với tôi, dường như chỉ là những ký ức vui đẹp của thời thơ ấu, nhưng thật ra, đó là những hoạt động Thầy đã khéo nghĩ ra để đạt được một mục đích giáo dục nào đó. “Vậy là, đây là điều mà Thầy đã để tâm đến rồi,” tôi nhận ra mình đang nghĩ ngợi. Hay là “Chỉ nghĩ đến điều ấy thôi là đã thấy Thầy tuyệt vời.” Với mỗi một điều tôi khám phá ra, tôi đều cảm thấy ngạc nhiên, vô cùng cảm động và biết ơn.
Trong trường hợp của tôi, thật không thể tả cho hết Thầy đã nuôi lớn tôi như thế nào bằng cách thường xuyên nói với tôi “em có biết không, em thật sự là một cô bé tốt.” Nếu tôi không vào trường Tomoe học và không gặp được thầy Kobayashi, có lẽ tôi sẽ bị dán cái nhãn là ‘cô bé xấu’ và trở nên đầy mặc cảm và lầm lạc.
Trường Tomoe bị cháy sập trong một trận tấn công bất ngờ bằng máy bay ở Tokyo vào năm 1945. Thầy Kobayashi đã bỏ tiền túi ra xây ngôi trường này, do đó muốn xây dựng lại cũng cần phải có thời gian. Sau chiến tranh, Thầy bắt đầu thành lập một nhà trẻ trên nền trường cũ, đồng thời Thầy giúp đỡ để thành lập một cơ sở mà ngày nay được gọi là ‘Khoa giáo dục trẻ em’ của trường Đại học Âm nhạc Kunitachi. Thầy cũng dạy thể dục nhịp điệu ở đấy và hỗ trợ trong việc thành lập Trường tiểu học Kunitachi. Thầy mất và hưởng thọ 69 tuổi, khi chưa kịp thành lập trở lại một ngôi trường lý tưởng.
Trường Tomoe nằm ở hướng tây bắc của Tokyo. Từ nhà ga Jitugaoka đi bộ khoảng ba phút trên đường Toyoko là đến nơi. Khu đất ấy bây giờ được sử dụng làm siêu thị ‘Con Công’ và bãi đậu xe. Một ngày nọ, tôi trở lại nơi ấy với bao luyến tiếc về quá khứ trong lòng, dù tôi biết rằng không còn dấu vết gì của ngôi trường xưa trên mảnh đất ấy nữa. Tôi lái xe chạy chầm chậm qua bãi đậu xe, nơi mà trước kia là dãy lớp học bằng các toa tàu và sân chơi. Người giữ xe trong bãi thấy xe tôi và nói lớn: “Cô không vào được, cô không vào được. Hết chỗ rồi!”
Tôi muốn nói là “Tôi không muốn đậu xe. Tôi chỉ muốn gợi nhớ lại những kỷ niệm.” Thế nhưng ông ấy chắc hẳn không hiểu, do đó tôi chạy đi. Rồi một nỗi buồn mênh mang bao phủ tôi và dòng lệ nhẹ lăn trên gò má khi tôi cho xe chạy lướt qua.
Tôi biết chắc khắp nơi trên thế giới có nhiều nhà giáo dục tốt - những người có lý tưởng cao vời và lòng yêu thương trẻ vô bờ bến - những người như thế có ước mơ xây dựng những ngôi trường lý tưởng. Và tôi biết khó khăn dường nào để biến ước mơ ấy thành hiện thực. Thầy Kobayashi trải qua hàng năm nghiên cứu trước khi mở trường Tomoe vào năm 1937 và ngôi trường này bị cháy trụi vào năm 1945. Như vậy, ngôi trường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi.
Tôi tin rằng trong khoảng thời gian tôi học là lúc nhiệt tâm của thầy Kobayashi lên đến đỉnh cao và chương trình đào tạo của Thầy cũng đang ở vào thời kỳ hoàng kim. Thế nhưng tôi nghĩ, biết bao trẻ em nữa sẽ nhận được sự chăm sóc và dạy dỗ của Thầy nếu không có chiến tranh. Tôi buồn cho sự uổng phí đó.
Tôi đã cố gắng miêu tả những phương pháp giáo dục của thầy Kobayashi trong cuốn sách này. Thầy tin rằng trẻ em sinh ra vốn có bản chất tốt bẩm sinh, song bản chất ấy có thể dễ mất đi do môi trường và sự can thiệp không đúng cách của người lớn. Mục đích của Thầy là khám phá ra ‘bản chất tốt’ nơi chúng và làm cho nó phát triển, để rồi trẻ em sẽ lớn lên, thành những con người có tính cách riêng.
Thầy Kobayashi coi trọng cái tự nhiên và muốn để cho những đặc tính của trẻ em phát triển càng tự nhiên càng tốt. Thầy cũng yêu thiên nhiên. Đứa con gái nhỏ của thầy, Miyo-chan, bảo tôi rằng Ba cô bé thường dắt cô bé đi dạo khi Miyo-chan còn nhỏ và nói rằng “hãy đi và tìm giai điệu trong thiên nhiên.”
Thầy dắt Miyo-chan đến một cây lớn và chỉ cho cô bé biết cành lá rung rinh trong gió như thế nào. Thầy chỉ ra mối liên hệ giữa lá, cành và thân cây, và mức độ rung rinh của lá tùy thuộc vào gió mạnh hay nhẹ. Hai cha con đứng yên và quan sát cảnh vật như thế. Nếu không có gió, cả hai kiên nhẫn chờ đợi, quay mặt ngược về hướng gió để có thể nhận ra ngay cả cơn gió hiu hiu nhẹ thổi phớt qua. Không chỉ học với gió, họ còn quan sát những dòng sông. Họ thường đến con sông Tama gần đấy và xem dòng nước lượn lờ trôi. Họ không bao giờ mỏi mệt với những việc như thế, cô bé kể cho tôi nghe.
Bạn đọc có thể thắc mắc làm thế nào mà các cơ quan thẩm quyền ở Nhật trong thời chiến tranh lại cho phép một trường tiểu học khác thường tồn tại, nơi mà việc học được thực hiện trong một không khí tự do như vậy. Thầy Kobayashi không thích những gì có tính phô trương. Ngay cả trước chiến tranh, thầy không cho phép công bố hình ảnh của trường hay cái gì mang tính đại chúng về sự khác thường của ngôi trường này. Đó có thể là một lý do để ngôi trường nhỏ chỉ có khoảng 50 học sinh này có thể tránh được sự dòm ngó và tiếp tục đi vào hoạt động. Một lý do nữa là bộ giáo dục đánh giá cao về thầy Kobayashi, tin tưởng Thầy là một nhà giáo dục tốt.
Mỗi năm, cứ đến ngày 3 tháng 11, ngày chứa đầy kỷ niệm đẹp của Ngày Hội Thể Thao, học sinh trường Tomoe, không luận là tốt nghiệp khi nào, đều trở về có mặt tại một căn phòng ở đền Kuhonbutsu để có một cuộc đoàn tụ vui vẻ. Mặc dù tất cả chúng tôi bây giờ đã vào tuổi bốn mươi, vài người đã gần năm mươi và đã có con cái lớn rồi, nhưng chúng tôi vẫn gọi nhau bằng cái tên trẻ con của thuở còn thơ. Những cuộc họp mặt như vầy là một trong những di sản đẹp mà chúng tôi thừa hưởng được từ thầy Kobayashi.
Thật ra tôi bị đuổi học từ trường tiểu học đầu tiên. Tôi không nhớ nhiều về ngôi trường ấy – Mẹ tôi kể lại chuyện những người hát rong và chuyện cái bàn. Tôi thấy thật khó tin là tôi bị đuổi học. Chả lẽ tôi lại nghịch ngợm như thế sao? Tuy nhiên, cách đây 5 năm, khi tôi tham gia vào chương trình truyền hình buổi sáng, trong đó, tôi được giới thiệu với một người biết tôi vào thời ấy. Hóa ra đó là cô giáo chủ nhiệm lớp bên cạnh lớp tôi học. Tôi lặng người đi khi nghe những gì cô ấy kể lại.
“Lúc đó em học ở lớp ngay bên cạnh lớp cô dạy,” cô ấy nói, “và khi cô có việc phải về phòng hội đồng trong lúc đang học, cô thường thấy em đứng ở hành lang vì vi phạm lỗi gì đó. Khi cô đi ngang, em thường chặn cô lại và hỏi tại sao em bị bắt đứng ở hành lang và em đã làm điều gì sai. “Bộ cô không thích mấy người hát rong à?” có lần em hỏi cô như thế. Cô không biết làm thế nào để xử sự với em thế nào cho phải. Do đó, cuối cùng, khi cô muốn đến phòng hội đồng, cô phải lén nhìn trước, nếu thấy em đứng đó, cô tránh không đi. Cô giáo chủ nhiệm của em thường phàn nàn với cô ở phòng hội đồng về em. Cô ấy thường nói “tôi tự hỏi tại sao cô bé đó lại như vậy?” Đó là lý do tại sao, trong những năm sau này, khi em bắt đầu xuất hiện trên ti vi, cô nhận ra tên em ngay lập tức. Lâu lắm rồi, nhưng cô nhớ em một cách rõ ràng khi em còn học lớp một.”
Bộ tôi bị phạt phải đứng ngoài hành lang à? Tôi không hề nhớ việc này và thấy vô cùng ngạc nhiên. Đó là một cô giáo tóc hoa râm, trông có vẻ trẻ trung, với khuôn mặt đôn hậu, người đã bị tôi quấy rầy, đã đến vào một chương trình ti vi buổi sáng, người cuối cùng làm cho tôi tin rằng tôi thật sự bị đuổi học.
Và đây, tôi muốn biểu lộ lòng chân thành biết ơn Mẹ tôi, người đã không nói cho tôi biết điều này cho đến sau lần sinh nhật thứ 20 của tôi.
“Con có biết tại sao con chuyển trường khi còn học tiểu học không?” một hôm Mẹ hỏi tôi. Khi tôi trả lời rằng không biết, Mẹ nói tiếp một cách lãnh đạm, “bởi vì con bị đuổi học.”
Vào thời điểm đó, có thể Mẹ nói “Điều gì sẽ xảy ra với con nữa đây? Con đã bị đuổi học từ một trường rồi. Nếu con bị đuổi khỏi một trường nữa, con sẽ đi đâu đây?”
Nếu lúc đó Mẹ nói với tôi như thế, tôi sẽ cảm thấy khốn khổ và lo lắng thế nào khi bước đến cổng trường Tomoe trong ngày đầu tiên tôi đến đó. Cái cổng trường có rễ và những lớp học trên các toa tàu hầu như không thể làm cho tôi vui nổi. May mắn làm sao, tôi có được một người Mẹ như thế.
Trong thời chiến tranh, chỉ có một ít hình được chụp tại trường Tomoe. Trong số đó, những tấm hình tốt nghiệp là đẹp nhất. Lớp ra trường thường chụp hình trên các bậc cấp ở trước hội trường. Nhưng những khi học sinh tốt nghiệp bắt đầu xếp hàng và hô lên: “Đứng vào, chụp hình nè!” những học sinh khác cũng muốn đứng vào, do đó, bây giờ, thật khó có thể nói lớp nào đang ra trường. Chúng tôi thường thảo luận sôi nổi về đề tài này trong các cuộc họp mặt. Thầy Kobayashi không bao giờ nói gì về những tấm hình này được chụp trong những dịp nào. Có lẽ thầy nghĩ rằng có được một tấm hình sống động của mọi người ở ngôi trường này vẫn tốt hơn là tấm hình tốt nghiệp có tính hình thức. Bây giờ nhìn chúng, những tấm hình này chính là đại diện cho trường Tomoe.
Còn nhiều điều nữa tôi muốn viết về trường Tomoe. Thế nhưng, tôi sẽ hài lòng nếu với ngần ấy điều đã viết ra đây, tôi đã làm cho mọi người hiểu được rằng, làm thế nào mà ngay cả một cô bé như Totto-chan, được sự can thiệp đúng đắn từ người lớn, có thể trở thành một con người có thể sống hài hòa được với người khác như vậy.
Tôi hoàn toàn tin chắc rằng, bây giờ, nếu có nhiều trường giống như trường Tomoe, sẽ ít đi những bạo động mà ngày nay chúng ta nghe quá nhiều và cũng có ít học sinh bỏ học. Ở trường Tomoe, không ai muốn về nhà liền sau khi tan trường. Và vào mỗi buổi sáng, chỉ mong sao cho nhanh đến trường. Tomoe là một loại trường như thế đấy.
Thầy Sosaku Kobayashi - một con người đầy linh phấn và có tầm nhìn cao rộng, đã thành lập một ngôi trường tuyệt vời - sinh ngày 18 tháng 6 năm 1893, ở một vùng quê thuộc miền tây bắc Tokyo. Thiên nhiên và âm nhạc là nguồn đam mê của Thầy. Khi còn bé, Thầy đã từng đứng bên bờ sông gần nhà, với đỉnh Haruna ở đằng xa xa, và thấy như dòng nước tuôn ra là một giàn nhạc do Thầy ‘đạo diễn.’
Thầy là con út trong một gia đình nông dân hơi nghèo có sáu anh chị em. Thầy đã từng làm trợ giảng sau khi học xong tiểu học. Tuy nhiên, có được bằng cấp cần thiết để được chấp nhận làm công việc ấy, là cả một kỳ công đối với một đứa trẻ vào tuổi đó, và điều này cho thấy một tài năng phi thường ở Thầy. Chẳng bao lâu, Thầy được nhận vào dạy ở một trường tiểu học tại Tokyo, nơi Thầy đã kết hợp việc dạy với nghiên cứu âm nhạc. Điều này cuối cùng giúp Thầy thực hiện được hoài bão Thầy hằng ấp ủ và vào học khoa giáo dục âm nhạc của một nhạc viện nổi tiếng nhất ở Nhật, nay là Trường Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Tokyo. Khi tốt nghiệp, Thầy trở thành người hướng dẫn âm nhạc cho trường tiểu học Seikei do Haruji Nakamura thành lập. Ông Haruji Nakamura là một người tuyệt vời, ông tin rằng giáo dục một đứa trẻ ở cấp tiểu học là quan trọng nhất. Ông tổ chức những lớp học nhỏ, ít học sinh và chủ trương một chương trình học chú trọng nhiều đến tính tự do để đem đến cho đứa trẻ một cá tính riêng biệt và khích lệ tinh thần tự trọng ở chúng. Thời gian buổi sáng là học, còn buổi chiều thì dành cho việc đi dạo, sưu tầm cây, vẽ phác thảo, hát và nghe thầy hiệu trưởng thuyết trình. Thầy Kobayashi chịu ảnh hưởng rất lớn về phương pháp của ông và về sau, thành lập một chương trình giáo dục tương tự như vậy ở trường Tomoe.
Trong thời gian dạy âm nhạc tại đây, thầy Kobayashi viết một bản hài kịch thiếu nhi cho học sinh biểu diễn. Bản hài kịch ấy gây ấn tượng cho nhà tư bản công nghiệp Baron Iwasaki. Gia đình ông ta thành lập công ty kinh doanh khổng lồ Mitsubishi. Ông Baron Iwasaki là người ủng hộ âm nhạc. Ông giúp cho Koscak Yamada, giúp nhiều nhà soạn nhạc người Nhật lão thành, cũng như ủng hộ tài chính cho trường. Gia đình ông Baron đã đưa ông Kobayashi sang Châu Âu để nghiên cứu phương pháp giáo dục.
Thầy Kobayashi trải qua hai năm, từ năm 1922 đến năm 1924, ở Châu Âu, thăm nhiều trường và học thể dục nhịp điệu với ông Emile Jacques-Dacroze ở Paris. Khi trở về, Thầy cùng với một người khác mở trường mầm non. Thầy Kobayashi thường nói với các cô giáo mầm non rằng, đừng cố nhét trẻ em vào những cái khuôn đã đúc sẵn. “Hãy để chúng cho tự nhiên,” Thầy nói “đừng gò bó những hoài bão của chúng. Những điều chúng mơ ước thường lớn hơn chúng nhiều.” Chưa hề có một trường mầm non nào như thế ở Nhật.
Vào năm 1930, thầy Kobayashi sang Châu Âu một năm nữa để học với ông Dalcroze, đi khắp nơi và quan sát, rồi quyết định tự mình mở riêng trường khi trở về Nhật.
Bên cạnh việc bắt đầu trường Tomoe vào năm 1937, Thầy còn thành lập Hội thể dục nhịp điệu Nhật Bản. Hầu hết mọi người nhớ đến Thầy như là một người giới thiệu thể dục nhịp điệu vào nước Nhật và đóng góp của Thầy tại Trường Đại học Âm nhạc Kunitachi sau chiến tranh. Có rất ít người có kinh nghiệm trực tiếp với phương pháp giáo dục của Thầy, và một điều đáng buồn là Thầy mất đi trước khi có thể thành lập một trường khác như Tomoe. Ngay cả khi nó bị cháy rồi, Thầy đã vạch kế hoạch cho một ngôi trường đào tạo tốt hơn. “Sau này chúng ta sẽ xây một trường theo mô hình nào?” Thầy hỏi, bằng một tinh thần bất khuất, không nản lòng trước những hỗn loạn đang diễn ra xung quanh.
Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi vô cùng ngạc nhiên biết rằng người chủ nhiệm của “phòng Tetsuko,” chương trình phỏng vấn hằng ngày trên ti vi, đã từng làm nghiên cứu về Thầy Kobayashi trong cả thập niên. Ông ta chưa từng gặp nhà giáo dục này, nhưng niềm linh phấn của ông về Thầy Kobayashi khởi lên qua một người phụ nữ đã từng đánh đàn pi-a-nô cho bọn trẻ trong những giờ học thể dục nhịp điệu. “Cô biết không, trẻ em không thể bước nhanh như thế,” thầy Kobayashi nói cô ấy điều chỉnh nhịp điệu khi cô mới đánh đàn ở trường Tomoe. Thầy là một người sống hài hòa với bọn trẻ đến mức Thầy biết chúng nó đến từng nhịp thở bước đi. Tôi hy vọng ông Kazuhiko Sano, người chủ nhiệm chương trình của tôi, sẽ viết một cuốn sách trong thời gian tới, để nói cho mọi người trên thế giới biết thêm về một con người đặc biệt như thế.
Cách đây 20 năm, một biên tập viên trẻ rất năng nổ của nhà xuất bản Kodansha đã để ý đến bài viết ngắn mà tôi viết về trường Tomoe trong một tạp chí phụ nữ. Anh ấy đến gặp tôi, mang theo một mớ giấy, yêu cầu tôi khai triển thêm bài viết đó thành một cuốn sách. Thật tội lỗi! Tôi đã dùng xấp giấy đó vào một việc khác, và anh ấy đã trở thành giám đốc nhà xuất bản trước khi ý kiến của anh ấy trở thành hiện thực. Thế nhưng chính anh ấy, Katsuhisa Kato, đã cho tôi ý kiến, và cả sự tự tin, để viết được cuốn sách này. Nếu thời điểm ấy tôi không viết được nhiều, thì việc viết cả cuốn sách xem ra có thể làm nản lòng. Cuối cùng, người ta khuyến khích tôi viết mỗi lần một chương để đăng trên Tạp chí Phụ Nữ Trẻ của Kodansha mà tôi đã cộng tác từ tháng 2 năm 1979 đến tháng 12 năm 1980.
Mỗi tháng, tôi đều đến thăm viện bảo tàng Chihiro Iwasaki về sách tranh ảnh ở Shimo-shakuji, Nerimaku, và Tokyo để sưu tầm tranh minh họa. Chihiro Iwasaki là một thiên tài trong việc minh họa thiếu nhi, và tôi tự hỏi không biết ở nơi nào khác trên thế giới, liệu có một người họa sĩ nào có thể vẽ thiếu nhi sống động được như nữ họa sĩ này không. Bà có thể thể hiện hình ảnh trẻ trong muôn vàn trạng thái và thái độ khác nhau và có thể phân biệt được một em bé sáu tháng với một em bé chín tháng tuổi. Tôi không thể nào kể cho các bạn nghe rằng tôi đã vui sướng thế nào khi tôi có thể sử dụng những tranh của bà trong cuốn sách của mình. Những bức tranh này phù hợp với câu chuyện của tôi đến kỳ lạ. Bà ấy mất năm 1974, nhưng nhiều người hỏi tôi có phải tôi bắt đầu viết cuốn sách này từ khi bà còn sống không, vì những bức tranh của bà thể hiện rất thật với cuộc sống và bà đã minh họa thiếu nhi qua vô số cách khác nhau.
Chihoro Iwasaki để lại gần bảy ngàn bức tranh và tôi may mắn được xem rất nhiều bản gốc các bức vẽ qua người con trai tốt bụng của bà, cũng là người trợ lý viện bảo tàng, và vợ anh ta. Tôi muốn gửi lời cám ơn đến chồng của cố họa sĩ, đã cho phép tôi dùng lại những tác phẩm của bà. Tôi cũng cám ơn nhà viết kịch Tadasu Iizawa, quản lý viện bảo tàng mà nay tôi là một ủy viên, cứ khuyến khích tôi bắt đầu viết trong khi tôi còn chần chừ.
Miyo-chan và những bạn bè khác của tôi ở trường Tomoe, đương nhiên, là một nguồn hỗ trợ lớn lao. Tôi xin chân thành cảm ơn Keiko Iwamoto, người biên tập phiên bản tiếng Nhật của cuốn sách này, và luôn nói rằng “Chúng ta phải làm sao để cuốn sách này thành một cuốn sách tuyệt vời.”
Tôi nảy ra ý kiến cho cái tựa sách tiếng Nhật từ một cách diễn đạt phổ biến cách đây vài năm để chỉ cho những người ‘ở bên ngoài cửa sổ’ – nghĩa là những người đang ở bên lề hay ngoài trời lạnh. Mặc dù tôi thường đứng ở cửa sổ là do tôi muốn thế để có thể nhìn thấy những người hát rong, tôi cảm thấy tôi ‘ở bên ngoài cửa sổ’ đối với ngôi trường tiểu học thứ nhất – cảm thấy xa lạ và chịu đựng quá nhiều giá lạnh. Tựa đề có những ngụ ý đó, ngoài ra còn có thêm một ý nữa – cánh cửa hạnh phúc cuối cùng đã mở ra cho tôi tại trường Tomoe.
Trường Tomoe không còn nữa. Thế nhưng nếu nó sống được một lát trong trí tưởng tượng của bạn khi đọc cuốn sách này, tôi không có niềm vui nào lớn hơn thế nữa.
Một năm trôi qua giữa lần xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Nhật và khi nó ra mắt bạn đọc bằng tiếng Anh, có nhiều sự kiện xảy ra. Trước hết, không ngờ, cuốn sách đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất. Totto-chan nhỏ bé đã làm nên lịch sử xuất bản ở Nhật, bán hết 4.500.000 bản trong một năm.
Kế tiếp, tôi rất vui khi thấy người ta đọc nó như là một cuốn sách giáo khoa về giáo dục. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ cung cấp tư liệu cho giáo viên và phụ huynh biết rằng đã từng có một người hiệu trưởng như Thầy Kobayashi. Nhưng tôi không tưởng tượng được cuốn sách có ảnh hưởng lớn đến thế. Có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy mọi người trên khắp nước Nhật quan tâm sâu sắc đến tình hình giáo dục hiện nay.
Với trẻ em, đây là một cuốn truyện. Nhiều ý kiến trả lời trong cuộc điều tra dư luận cho thấy dầu vẫn có những từ khó trong cuốn sách, với sự hỗ trợ của tự điển, trẻ em lên bảy đã đọc được cuốn sách của tôi. Tôi không thể nào nói hết được niềm vui của tôi về điều này. Một nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản, 103 tuổi, viết: “Tôi thích quyển sách vô cùng.” Thế nhưng, một điểm đáng lưu ý hơn cả là trẻ em đang thật sự thích đọc cuốn sách này dù phải tra từ khó, trong khi truyện hài hay truyện tranh đều làm chúng say mê, và chính các em cũng nói rằng các em không thích truyện toàn là chữ.
Sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, các công ty dồn dập yêu cầu tôi cho phép họ chuyển câu chuyện của tôi sang các thể loại nghệ thuật khác như phim, chương trình tivi, biên kịch và phim hoạt họa. Nhưng đã có quá nhiều người đọc cuốn sách này và họ đã xây dựng cho mình một hình tượng riêng trong lòng, tôi nghĩ thật khó có thể làm cho họ phát triển trí tưởng tượng thêm được, cho dù người đạo diễn có tài ba đến mấy chăng nữa. Do đó, tôi từ chối những lời yêu cầu của họ.
Tuy nhiên, tôi đồng ý cho chuyển nội dung quyển sách sang âm nhạc bởi vì âm nhạc không gò bó khả năng tưởng tượng. Tôi yêu cầu Akihiro Komori – một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều nhạc khúc rất hay – viết bố cục. Nhạc giao hưởng về câu chuyện ‘Totto-chan: cô bé bên cửa sổ’ mà tôi kể đã thành công rực rỡ, cả hội trường vang đầy tiếng khóc cười xen kẽ nhau. Trên cơ sở đó, ông làm thành một cuộn băng.
Cuốn sách bây giờ đã trở thành tài liệu dạy chính thức. Với sự chấp thuận của Bộ giáo dục, chương “Thầy giáo dạy làm vườn” sẽ được sử dụng trong môn học ‘Tiếng Nhật’ lớp ba bắt đầu áp dụng từ năm học tới và chương “Ngôi trường cũ tồi tàn” có trong sách ‘Đạo Đức’ lớp bốn và môn ‘Giáo dục Công dân.’ Giáo viên đã sử dụng cuốn sách này theo cách riêng của họ. Ví dụ khi học môn ‘nghệ thuật,’ tôi nghe giáo viên đọc cho học sinh nghe một chương, rồi yêu cầu học sinh vẽ bức tranh về sự kiện nào chúng tâm đắc nhất.
Tôi đã thực hiện được giấc mơ tôi hằng ấp ủ là thành lập một rạp hát chuyên nghiệp cho trẻ em khiếm thính nhờ vào tiền nhuận bút từ cuốn sách này, và nhờ nó, tôi nhận được một giải thưởng ‘Người thật Việc thật’ và ba giải thưởng khác. Về phương diện xã hội, dạo gần đây, tôi vinh dự được mời, cùng với những vị khách đặc biệt, có cả người đoạt giải Nobel hóa học Ken’ichi Fukui, đến dự tiệc ở Vườn xuân Hoàng gia, nơi tôi may mắn có được cuộc gặp gỡ trao đổi thoải mái với Đức vua. Và năm ngoái, tôi được thủ tướng tuyên dương trong dịp tưởng niệm ‘Năm quốc tế dành cho người khuyết tật.’ Cuốn sách tôi khát khao viết ấy đã đem lại những sự kiện vui như thế trong thời gian qua.
Cuối cùng tôi xin gởi lời chân thành cám ơn đến Dorothy Britton, người đã dịch cuốn sách của tôi sang tiếng Anh. Tôi thật may mắn khi tìm được một người dịch tuyệt vời như thế. Thật ra, cô vừa là một nhạc sĩ vừa là một nhà thơ. Do đó, cô đã đem câu chuyện của tôi vào tiếng Anh vừa giàu âm điệu vừa giàu cảm xúc làm cho người đọc rất thích.
Và đây, một lần nữa, tôi muốn gởi lời cám ơn đến nhà soạn nhạc ‘Đường rộng’ Harold Rome và phu nhân ông, bà Florence, những người đã khuyến khích tôi xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh trong khi tôi vừa mới hoàn thành chương thứ nhất của cuốn sách.
TETSUKO KUROYANAGI
Tokyo, 1982.