Thursday, August 6, 2009

57. ĐÀN VI-Ô-LÔNG CỦA BA

Như không hề biết trước, chiến tranh đã đến giai đoạn quyết liệt đang bắt đầu đem lại cảm giác sợ hãi trong đời sống của Totto-chan và gia đình cô bé. Ngày nào cũng vậy, những người đàn ông con trai trong xóm lên đường ra chiến trận, tay vẫy cờ miệng hô lớn “muôn năm!” Đồ ăn, từng thứ một, nhanh chóng biến mất khỏi các tiệm bán thực phẩm. Do đó, khó mà có thể đáp ứng được quy tắc ‘một ít ở biển, một ít ở núi’ trong phần ăn trưa của Totto-chan. Mẹ chuẩn bị rong biển và dưa món mận cho cô bé, nhưng dần dần những thứ ấy cũng trở nên khan hiếm. Thế rồi mọi thứ đều trở nên khó kiếm hơn. Cuối cùng thì không tìm đâu ra được bánh ngọt cả, dù đã cố công tìm kiếm khắp mọi nơi.

Totto-chan biết có một cái máy bán hàng tự động đặt dưới cầu thang ở nhà ga Ookayama, ga kế trước ga cô bé thường lên xuống tàu. Khi mình muốn một gói kẹo ca ra men, mình chỉ cần để tiền vào trong cái khe của máy là có kẹo. Có một bức tranh ở phía trên cùng của máy vẽ các thứ bày bán bên trong để người mua có cảm giác ngon miệng. Chúng ta có thể có gói gẹo ca ra men nhỏ với 5 xu và một gói lớn hơn với 10 xu. Thế nhưng, cái máy này cũng trống không từ lâu rồi. Bây giờ, dù mình bỏ vào khe đó bao nhiêu tiền và đập mạnh bao nhiêu cũng không có gì chạy ra cả. Totto-chan là người kiên nhẫn hơn tất cả mà cũng chẳng làm được gì.

“Có thể vẫn còn một gói sót lại ở chỗ nào trong đó,” cô bé nghĩ. “Có thể nó mắc kẹt ở đâu đó bên trong.”

Do đó, ngày nào cũng vậy, cô bé xuống tàu tại sân ga trước ga cô bé xuống, thử bỏ vào máy đồng bạc cắc 5 xu hay 10 xu. Nhưng rồi, cô bé cũng chỉ nhận lại tiền mình bỏ vào. Chỉ có tiếng lách cách của máy thôi.

Vào thời ấy, có người nói với Ba rằng, nhiều người thích nghe tin tức. Nếu Ba biểu diễn vi-ô-lông với những bản nhạc phổ biến phục vụ ở những nơi như công xưởng đạn dược – nơi người ta sản xuất vũ khí và các thứ phục vụ chiến tranh – Ba sẽ nhận được đường, gạo và những thứ khác nữa. Từ khi Ba được thưởng huân chương âm nhạc, thanh thế của Ba tăng lên, Ba nổi tiếng là một nhà chơi đàn vi-ô-lông. Bạn bè của Ba bảo nếu Ba đến đó biểu diễn, Ba sẽ nhận được nhiều quà tặng khác.

Mẹ hỏi Ba,“Anh nghĩ sao? Anh có định đến đó biểu diễn không?”

Những buổi hòa nhạc trở thành khan hiếm dần. Thứ nhất, ngày càng nhiều nhạc sĩ đã bị gọi chiêu quân và ban nhạc thiếu người biểu diễn. Hơn nữa, ở đài phát thanh thì hầu như toàn bộ chương trình đều nói về chiến tranh, do đó Ba và những bạn đồng nghiệp không có nhiều việc để làm. Lẽ ra Ba nên đón nhận những cơ hội như thế.

Ba suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Anh không muốn đem cây đàn vi-ô-lông của mình để biểu diễn những thứ nhạc như vậy.”

Mẹ nói, “Em nghĩ anh nói đúng. Em cũng từ chối. Chúng ta sẽ kiếm sống bằng một cách nào đó khác vậy.”

Ba biết hầu như không có đủ thức ăn cho Totto-chan và cũng không có tiền để bỏ vào cái máy bán hàng tự động vốn đã vô hiệu, để mong có một gói kẹo ca ra men. Ba biết rằng những món quà tặng thức ăn Ba có thể nhận được sẽ mang lại rất nhiều cho gia đình nếu Ba biểu diễn chỉ vài điệu nhạc thời chiến. Thế nhưng Ba thấy giá trị của âm nhạc còn nhiều hơn thế. Mẹ cũng biết điều đó và không bao giờ xúi Ba làm một việc như vậy. “Hãy tha lỗi cho Ba, Totsky,” Ba buồn bã nói.

Totto-chan còn quá nhỏ để có thể hiểu được nghệ thuật, hệ tư tưởng và công việc. Duy có một điều cô bé biết là Ba yêu cây đàn vi-ô-lông lắm và Ba trở thành một người ‘không được thừa nhận,’ nhiều người trong gia đình và bà con không nói chuyện với Ba nữa. Ba phải trải qua một thời gian khó khăn, nhưng đồng thời, Ba nhất định giữ lấy cây đàn vi-ô-lông. Do đó, Totto-chan nghĩ, Ba không biểu diễn những gì Ba không thích là đúng thôi. Totto-chan nhảy lò cò quanh Ba và vui vẻ nói: “Con không có buồn. Bởi vì con cũng yêu cây đàn vi-ô-lông của Ba.”

Dù vậy, ngày hôm sau, Totto-chan lại tuột xuống ga Ookayama và nhìn vào cái khe của máy bán hàng tự động. Không chắc là có gì chạy ra, nhưng cô bé vẫn hy vọng.