Monday, August 3, 2009

54. PHẤN

Học sinh trường Tomoe không bao giờ viết vẽ bậy bạ trên tường của người ta hay trên đường đi bởi vì chúng đã có quá nhiều cơ hội để làm chuyện đó ở trường rồi.

Suốt giờ học âm nhạc ở trong hội trường, thầy hiệu trưởng đưa cho mỗi đứa một viên phấn trắng. Chúng nó có thể ngồi hay nằm ở một nơi nào đó tùy thích, với viên phấn trong tay và đợi. Khi tất cả đã sẵn sàng, thầy hiệu trưởng bắt đầu đàn pi-a-nô. Lúc thầy đàn, chúng nó nghe và viết nhịp bằng ký hiệu nốt nhạc trên nền nhà. Viết bằng phấn trên gỗ màu nâu sáng bóng trông thật dễ thương. Chỉ có khoảng 10 đứa học sinh trong lớp Totto-chan và do đó, chúng nó trải rộng khắp quanh hội trường rộng lớn và chúng không phải lo thiếu không gian để viết. Chúng muốn viết lớn bao nhiêu cũng được mà không xâm phạm đến không gian của đứa khác. Chúng nó không cần viết ký hiệu theo hàng lối ngay thẳng vì chúng chỉ viết nhịp thôi. Ở trường Tomoe, nốt nhạc có những tên gọi đặc biệt do bọn trẻ sáng chế ra sau khi thảo luận với thầy hiệu trưởng về vấn đề này. Chúng nó có tên như sau:



Bằng cách này, chúng nó nhớ những nốt nhạc kỹ và vui nữa. Chúng nó thích tiết học âm nhạc nhất.

Dùng phấn viết trên nền nhà là ý kiến của thầy hiệu trưởng. Giấy có kích thước quá nhỏ, còn bảng đen cũng không có đủ để xếp quanh. Thầy nghĩ nền nhà hội trường là tấm bảng đen khổng lồ, trên đó bọn trẻ có thể viết nhịp một cách thoải mái không luận là âm nhạc vang lên nhanh chậm thế nào, chúng nó viết lớn cỡ nào tùy thích. Trên tất cả, bằng cách đó, chúng nó sẽ yêu thích âm nhạc. Sau đó, nếu còn thời gian rảnh, chúng nó có thể vẽ máy bay, búp bê hay bất cứ thứ gì chúng muốn. Có khi chúng nối những bức vẽ lại với nhau cho vui và cả nền nhà trở thành một bức tranh khổng lồ. Vào những lúc thầy hiệu trưởng không đàn, trong giờ học âm nhạc, thầy sẽ đi kiểm tra học sinh viết nhịp như thế nào. Thầy nhận xét “tốt đấy,” hay “chỗ đó không phải ‘cờ-cờ’ mà là ‘nhảy.’”

Sau khi đã duyệt qua và sửa nốt nhạc cho chúng, thầy đàn lại một lần nữa để cho chúng nó kiểm tra lại và làm quen với nhịp điệu. Mặc dù bận đến đâu, thầy không bao giờ để ai dạy thế thầy môn này cả. Theo sự nhận xét của học sinh, nếu không có thầy Kobayashi thì không có gì vui cả.

Lau sạch những nốt nhạc viết trên nền nhà là cả một công việc vất vả. Đầu tiên, chúng ta phải lau nền nhà bằng xốp lau bảng, sau đó, để có được nền nhà sạch sẽ và ngăn nắp, phải dùng giẻ lau nhà đè mạnh để lau nền. Đây là cả một công việc lớn.

Bằng cách này, học sinh trường Tomoe hiểu ra được việc tẩy sạch những nét viết vẽ bậy bạ là cả một vấn đề khó khăn, do đó chúng nó không bao giờ viết vẽ bậy bạ ở đâu, ngoại trừ nền nhà hội trường. Hơn nữa, cứ hai tuần một lần sẽ có một tiết học âm nhạc như thế này và bọn trẻ đã viết vẽ nguệch ngoạc quá đủ rồi.

Bọn trẻ ở trường Tomoe trở thành người sử dụng phấn chuyên nghiệp thật sự. Loại phấn nào tốt, cầm nó như thế nào, làm thế nào để sử dụng phấn có hiệu quả nhất mà không bị gãy. Đứa trẻ nào cũng thành thạo về việc sử dụng phấn.