Tuesday, July 28, 2009

50. ĐI THĂM THƯƠNG BINH

Đó là lần đầu tiên Totto-chan đến thăm bệnh viện dành cho thương bệnh binh. Cô bé đến đó cùng với khoảng 30 đứa trẻ ở nhiều trường khác nhau. Totto-chan không biết những đứa trẻ này. Đi thăm thương binh là một phần của chương trình gần đây được tổ chức trong phạm vi toàn quốc cho các nhóm học sinh tiểu học. Mỗi trường thông thường cử hai hay ba học sinh, nhưng với những ngôi trường nhỏ như Tomoe, chỉ có một học sinh được cử đi và nhóm học sinh này thường được một giáo viên ở trường nào đó hướng dẫn. Totto-chan là học sinh duy nhất đại diện cho trường Tomoe.

Cô giáo hướng dẫn là một người phụ nữ ốm, có mang kính. Cô giáo ấy đưa các em vào bên trong một gian phòng có khoảng 15 người lính trong những bộ đồ ngủ, mấy người nằm trên giường, mấy người đang đi lại trong phòng. Totto-chan cảm thấy lo lắng khi trông thấy những người lính bị thương, nhưng tất cả đều mỉm cười, vẫy tay chào và tỏ ra vui vẻ, cô bé cảm thấy nhẹ nhõm, mặc dù trên đầu họ mang những miếng băng.

Cô giáo tập trung các em lại giữa phòng rồi nói với những người lính.

“Hôm nay chúng tôi đến thăm các anh,” cô nói, tất cả các em học sinh cúi đầu chào. Cô giáo nói tiếp: “Vì hôm nay là ngày 5 tháng 5, ngày lễ con trai, chúng ta sẽ hát bài ‘cờ đuôi cá chép.’

Cô giơ tay lên, như một người nhạc trưởng, nói với bọn trẻ: “Bây giờ, sẵn sàng chưa? Ba, bốn,” và bắt đầu đánh nhịp. Bọn trẻ không biết nhau nhưng chúng cùng nhau hát một cách rập ràng:

Trên biển mái nhà,
Trên biển tầng mây…

Totto-chan không biết bài hát này. Ở trường Tomoe nào có tập hát bài này đâu mà biết. Cô bé ngồi trên mép giường của một người lính có khuôn mặt nhân hậu đang ngồi để nghe bọn trẻ hát, cảm thấy hơi lúng túng. Khi dứt bài hát, cô giáo thông báo một cách rõ ràng “bây giờ chúng ta sẽ hát bài ‘Lễ hội búp bê.’ Tất cả chúng nó hát rất hay, ngoại trừ Totto-chan.

Hãy đến cùng chúng tôi để đốt đèn lồng
Đốt đèn lồng, từng chiếc, từng chiếc một.

Totto-chan không biết làm gì khác hơn là im lặng.

Khi chúng nó kết thúc bài bát, tất cả những người lính vỗ tay. Cô giáo mỉm cười và nói: “Thế thì còn bài ‘Pony và Mare’ thì sao? Tất cả cùng hát nè, ba, bốn,” và lại bắt đầu đánh nhịp.

Totto-chan cũng lại không biết bài này nữa. Khi bọn trẻ hát xong bài này, người lính trên giường có Totto-chan đang ngồi xoa đầu cô bé và nói: “Cháu không hát à?”

Totto-chan cảm thấy vô cùng hối tiếc. Cô bé đến đây để thăm mấy người lính và cô bé không hát được bài nào để tặng mấy chú cả. Thế rồi cô bé đứng dậy, đứng ra xa giường một tí, nói một cách can đảm: “Được rồi, bây giờ cháu sẽ hát tặng các chú bài hát mà cháu biết.”

Đây là một việc cô bé không hề có dự tính trước.

Em định hát bài hát gì?, cô giáo hỏi. Nhưng Totto-chan đã lấy một hơi thở dài và bắt đầu hát, do đó cô giáo phải đợi!

Nhai, nhai, nhai cho kỹ
Những gì chúng ta ăn…

Vài đứa nhỏ cười. Những đứa khác hỏi bạn bè bên cạnh: “Bài hát gì thế? bài hát gì thế?” Cô giáo bắt đầu đánh nhịp, nhưng không biết phải đánh như thế nào, đành bỏ tay xuống giữa chừng.

Totto-chan cảm thấy bối rối, nhưng cô bé vẫn cố gắng hết khả năng:

Nhai, nhai, nhai và nhai
Cơm, cá cũng như thịt!

Khi Totto-chan hát xong, cô bé cúi xuống chào. Khi cô bé ngẩng đầu lên, Totto-chan sửng sốt khi thấy người lính nước mắt chảy dài. Cô bé nghĩ có lẽ mình vừa làm điều gì đó không hay. Và khi đó, người lính ấy, trông già hơn Ba một tí, xoa đầu cô bé và nói: “Cám ơn cháu, cám ơn cháu.”

Người lính đi đến xoa đầu Totto-chan một lần nữa, và chú ấy vẫn không ngừng khóc. Thế rồi cô giáo nói vui vẻ, như thể cố gắng để làm cho người lính này vui lên: “Bây giờ đã đến lúc chúng ta đọc những bài viết dành cho các chú.”

Bọn trẻ thay nhau đọc lớn những bài chúng viết cho những người lính. Totto-chan nhìn chú lính của mình. Mũi và mắt chú ấy đỏ hoe, nhưng chú mỉm cười. Totto-chan cũng mỉm cười đáp lại. Cô bé tự nghĩ “mình thật vui khi thấy chú ấy mỉm cười.”

Điều gì làm người thương binh này khóc, chỉ có chú ấy mới biết. Có thể chú ấy có đứa con nhỏ giống Totto-chan. Hay là đơn giản chú ấy xúc động bằng giọng hát ngọt ngào cô bé cố gắng hết sức để diễn đạt. Hay là do kinh nghiệm nào đó của chú ấy trên mặt trận chiến tranh, chú ấy biết nhiều người gần chết đói, và Totto-chan này hát ‘nhai cho kỹ’ nhưng thật ra không có gì để nhai, có thể làm cho chú ấy tràn ngập nỗi buồn. Người lính cũng có thể nghĩ rằng những sự kiện khủng khiếp như thế có thể nhanh chóng nhận chìm cả những đứa bé ngây thơ.

Bọn trẻ, đang đọc những bài viết, có thể không có ý thức về điều này, nhưng chiến tranh Thái bình dương đã và đang diễn ra quyết liệt.