Thursday, July 23, 2009

45. NHÀ BẾP DÃ CHIẾN

Một hôm, sau khi tan học, Totto-chan đi ra cổng mà không nói với ai lời nào, thậm chí cũng không chào ai, vội vã đi đến ga Jiyugaoka, miệng luôn thì thầm một mình “Khe suối sấm sét, nhà bếp dã chiến, khe suối sấm sét, nhà bếp dã chiến…”

Những từ này khó nói đối với một đứa bé gái, thế nhưng vẫn đỡ hơn cái tên của một người trong câu chuyện hài Rakugo. Người này có cái tên gì mà dài, dài đến nỗi ông mất quá nhiều thời gian để nói tên mình và ông chết đuối dưới giếng trước khi những người cứu ông biết được tên ông là gì. Totto-chan tập trung cao độ vào cụm từ trên, tuy nhiên, nếu có ai bên cạnh bất chợt nói lên một cái tên dài nổi tiếng bắt đầu bằng ‘Jugemu; Jugemu,’ cô bé sẽ quên cụm từ trên ngay lập tức. Ngay cả khi cô bé nói “chúng ta đi đây” khi cô bé nhảy qua một vũng nước, cô bé chắc chắn sẽ bị phân tâm. Do đó, Totto-chan không làm gì cả mà cứ liên tục thì thầm lặp đi lặp cụm từ đó một mình. May mắn quá, không ai nói chuyện với cô bé trên tàu và Totto-chan cũng cố gắng không khám phá điều gì hấp dẫn, do vậy cô bé có thể xoay xở đến ga của mình mà không hề có một ý niệm “đó là cái gì?” xen vào. Nhưng khi Totto-chan rời sân ga, một người đàn ông cô bé quen biết, đang làm việc ở đây nói: “Chào cháu, về rồi à?” cô bé suýt trả lời nhưng kịp nén lại, biết rằng mình sẽ bị rối tung lên mất, thế là cô bé đưa tay lên vẫy vẫy rồi chạy về nhà.

Vừa về đến cửa trước, cô bé lấy hết sức hét toáng lên với mẹ: “Khe suối sấm sét, nhà bếp dã chiến.” Lúc đầu, Mẹ cứ tưởng đó là tiếng hét của võ sĩ Judo hay là hồn của 47 người Ronin về trêu chọc la lối. Nhưng sau đó, Mẹ đã hiểu ra. Gần nhà ga Todoroki, cách nhà ga Jiyugaoka ba nhà ga, có một cảnh đẹp nổi tiếng gọi là Todoroki Keikoku, hay là ‘Khe suối Sấm sét.’ Đó là một trong những cảnh đẹp nhất của Tokyo cũ. Ở đây có thác nước, có suối và những khu rừng rất đẹp. Còn ‘nhà bếp dã chiến’ – chắc có nghĩa là bọn trẻ sắp có sự kiện nấu ăn ở ngoài trời. Dạy cho trẻ con những cụm từ như thế thì khó làm sao ấy, Mẹ ngạc nhiên.

Nhưng rõ ràng là trẻ em học dễ dàng một khi chúng thích.

Cám ơn vì cuối cùng mọi chuyện về cụm từ khó hiểu ấy đã được sáng tỏ! Totto-chan trình bày với Mẹ mọi chi tiết có liên quan, lần lượt từng chi tiết một. Học sinh phải tập trung tại trường vào thứ sáu tuần tới. Những thứ chúng cần mang theo là bát đựng súp, chén ăn cơm, đũa và một chung gạo. Thầy hiệu trưởng nói nó sẽ trở thành hai chén khi nấu thành cơm, cô bé nhớ và nói thêm như vậy. Chúng nó phải chuẩn bị để nấu súp thịt heo, do đó cần ít thịt heo và rau củ. Chúng cũng có thể mang theo gì đó làm thức ăn nhẹ buổi chiều nếu thích.

Mấy hôm sau, Totto-chan theo sát Mẹ trong nhà bếp và quan sát cẩn thận cách Mẹ cầm dao, cách bưng chảo và nấu cơm như thế nào. Thật là thú vị khi coi Mẹ nấu ăn trong nhà bếp, nhưng điều Totto-chan thích nhất là cách mẹ nói: “Ô, cái này nóng!” và nhanh chóng lấy ngón tay cái và ngón tay trỏ nắm lấy trái tai mỗi khi mẹ cầm cái gì nóng như nắp vung chẳng hạn.

“Mẹ làm vậy bởi vì cái trái tai lạnh.” Mẹ giải thích.

Điệu bộ cử chỉ của mẹ làm cho Totto-chan có ấn tượng đó là người lớn và dấu hiệu của sự sành sỏi trong việc bếp núc. Cô bé tự nhủ “khi nào khe núi sấm sét, nhà bếp dã chiến,” cô bé cũng sẽ làm như vậy.

Cuối cùng ngày thứ sáu đã đến, sau khi xuống tàu, bọn trẻ đi đến Khe Núi Sấm Sét, thầy hiệu trưởng kiểm tra học sinh rồi chúng cùng nhau đi vào các khu rừng. Những khuôn mặt nhỏ bé thân thương ửng hồng trong ánh nắng xuyên qua kẽ lá những tán cây cao. Với những túi đựng thức ăn nhẹ căng phồng, bọn trẻ đợi thầy hiệu trưởng phổ biến điều gì đó. Ở phía trên chỗ chúng ngồi, dòng thác đẹp nổi tiếng đang chảy xiết đổ dốc ầm ầm, tạo nên một âm điệu vô cùng thú vị.

Thầy hiệu trưởng nói, “Bây giờ, nghe đây. Trước hết, các em chia ra thành nhiều nhóm, rồi lấy gạch các thầy cô đem theo đây để làm lò. Một số em đem gạo xuống dòng suối để vo rồi bắc lên lò nấu. Sau đó, chúng ta nấu súp thịt heo. Như vậy, chúng ta bắt đầu được chưa?”

Bọn trẻ chia thành nhiều nhóm bằng cách ‘tù tì búa, giấy, kéo.’ Vì chỉ có khoảng 50 đứa, trong chốc lát, chúng nó chia thành sáu nhóm. Chúng nó đào lỗ, chất gạch xung quanh. Thế rồi mấy thanh sắt nhỏ được đặt ngang để đỡ lấy nồi cơm hay súp. Trong khi một số đang làm bếp như vậy, một số khác đi nhặt củi ở trong rừng, lại có mấy đứa đi xuống suối vo gạo. Bọn trẻ tự sắp xếp mình vào nhiều công việc khác nhau. Totto-chan xung phong nhận nhiệm vụ lặt rau và lo nồi súp thịt heo. Một đứa con trai học trên Totto-chan hai lớp cũng được giao nhiệm vụ là cắt rau, nhưng cậu bé cắt rau thành những đoạn không đều nhau, khi dài, khi ngắn và làm lộn xộn cả lên. Tuy nhiên, cậu bé làm công việc này rất hăng say, và trên chóp mũi cậu bé đã lấm thấm mồ hôi. Totto-chan bắt chước Mẹ, cắt rất khéo những thứ cà, khoai tây, hành, rễ ngưu bàng và những thứ khác bọn trẻ mang theo đã thành miếng có kích thước vừa một miếng ăn. Cô bé cũng làm một món dưa món bằng cách cắt cà tím và dưa leo ra thật mỏng rồi ướp muối vào. Totto-chan cũng góp ý các bạn lớn hơn trong các công việc làm nào mà các bạn không biết rành rẽ. Cô bé thật sự cảm thấy mình như thể là một người mẹ. Mọi người ai cũng thích dưa món Totto-chan làm.

“Ồ, em chỉ làm thử coi có được không thôi,” cô bé thật thà nói.

Rồi đến nồi nước súp thịt heo thơm ngon, mọi người đều cho ý kiến. Từ trong các nhóm đều có những lời khen, “Chà, không chê vào đâu được!” “Được!” rồi rộ lên cười. Chim trong rừng líu lo ca hót cũng hòa nhập vào không khí sôi động này. Đồng thời lúc đó, nồi nào cũng bốc lên mùi thơm rất hấp dẫn. Đến bây giờ, hầu như chưa đứa nào đã từng coi nấu một món ăn như thế nào và chụm lửa ít nhiều ra sao. Chúng nó chỉ biết ăn những gì đã dọn sẵn trước mặt chúng trên bàn ăn mà thôi. Chúng nó thích tự mình nấu một món gì đó, với một chút khó khăn thử thách – xem sự gia giảm trong các thành phần gia vị ra sao – tất cả là một kinh nghiệm mới lạ đối với chúng.

Cuối cùng, công việc của các nhóm lo nấu nướng tạm thời đã xong. Thầy giáo bảo học sinh chọn một khoảng đất trên bãi cỏ để tất cả có thể ngồi thành vòng tròn. Một nồi súp và một nồi cơm được đặt trước mặt mỗi nhóm. Riêng Totto-chan không chịu bưng nồi súp của nhóm cô bé đi vì cô bé muốn trước hết, phải thực hiện điều đã dự định trong lòng từ trước. Giở cái nắp đậy còn nóng ra, Totto-chan muốn làm cho mọi người chú ý đến việc mình làm, nói: “Ồ, nóng đấy,” rồi để mấy ngón tay lên chỗ dái tai. Đợi đến khi đó, cô bé mới nói “bây giờ cậu bưng được rồi đó.” Thế là nồi súp được bưng đến chỗ bọn trẻ đang ngồi thật đúng lúc. Chúng nó thắc mắc, không biết chuyện gì xảy ra thế. Không có đứa trẻ nào có ấn tượng về việc Totto-chan làm cả. Thế nhưng, với Totto-chan, như thế là đủ cho cô bé hài lòng rồi.

Ai cũng để trọn sự chú ý của mình vào trong các nồi cơm và những gì được nấu trong nồi súp đang bốc hơi nghi ngút. Bọn trẻ đã đói bụng. Và rồi, điều đầu tiên và là quan trọng nhất, đây là bữa cơm mà chúng nó tự nấu.

Sau khi bọn trẻ hát “nhai, nhai, nhai cho kỹ, những gì chúng ta ăn” và rồi nói, “xin cám ơn khi thọ nhận thức ăn này,” khu rừng trở nên yên ắng. Không có tiếng động nào cả ngoài tiếng nước suối róc rách.