Tuesday, July 21, 2009

43. ĐIỆU MÚA HỒ-THIÊN-NGA

Totto-chan vừa được đưa đến hội trường Hibiya để xem múa-ba-lê-hồ-thiên-nga. Ba đang đàn độc tấu vi-ô-lông và một đoàn kịch múa rất hay đang biểu diễn. Đây là lần đầu tiên Totto-chan đi xem múa ba lê. Thiên nga hoàng hậu đội một cái vương miện nhỏ lóng lánh trên đầu và nhảy trong không trung một cách dịu dàng như thiên nga thật vậy. Totto-chan cảm nhận như thế. Hoàng tử yêu thiên nga hoàng hậu và lơ là những người khác. Cuối cùng, cả hai múa với nhau rất nhịp nhàng. Tiếng nhạc cũng gây ấn tượng đối với Totto-chan rất nhiều và khi trở về nhà rồi, cô bé vẫn còn suy nghĩ miên man về buổi biểu diễn này. Ngày hôm sau, khi vừa thức dậy, cô bé không kịp chải đầu, chạy thẳng xuống bếp, mẹ đang ở đó, nói rằng “con không muốn làm điệp viên nữa, cũng không làm người hát rong trên đường phố hay người soát vé tàu. Con sẽ làm nữ diễn viên kịch múa và múa điệu ‘hồ-thiên-nga’!”

“Ồ, thế à” Mẹ trả lời, không tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả.

Đấy là lần đầu tiên Totto-chan xem múa ba lê, nhưng cô đã từng nghe thầy hiệu trưởng nói nhiều về Isadora Duncan, một nữ diễn viên múa người Mỹ rất đẹp. Cũng giống như thầy Kobayashi, Isadora Duncan cũng chịu ảnh hưởng của Dalcroze. Nếu thầy hiệu trưởng, người mà cô bé vô cùng ngưỡng mộ, thích cô diễn viên múa Isadona Duncan, thì điều này cũng quá đủ cho Totto-chan thích cô ấy, và mặc dù cô bé chưa bao giờ xem cô diễn viên này múa cả, cô bé có cảm giác như là mình đã biết cô ấy rồi. Do vậy, trở thành một diễn viên múa dường như không vượt ra ngoài những chuyện bình thường đối với Totto-chan.

Một điều tình cờ là có người bạn của thầy hiệu trưởng Kobayashi đến trường Tomoe và dạy thể dục nhịp điệu có một phòng dạy múa gần đấy. Mẹ sắp xếp cho Totto-chan học múa với ông sau khi tan trường. Mẹ không bao giờ bảo Totto-chan phải làm điều này hay phải làm điều kia, nhưng khi Totto-chan muốn làm điều gì, Mẹ đều đồng ý và không hỏi bất cứ một câu hỏi nào, Mẹ cứ thế tiến hành và sắp xếp mọi việc.

Totto-chan bắt đầu học múa, hy vọng một ngày nào đó, cô bé có thể múa điệu ‘hồ-thiên-nga.’ Thế nhưng ông thầy này có cách dạy riêng. Bên cạnh những nhịp điệu chúng nó tập ở trường Tomoe, ông ấy dạy học sinh cách bước đi nhẹ nhàng theo điệu pi-a-nô hay theo điệu nhạc từ chiếc máy đĩa, lặp đi lặp lại một số lời như, ‘toả rạng đầu non!’ trích ra từ lời kinh cầu ‘thanh lọc tâm hồn; ồ, toả rạng đầu non!’ mà khách hành hương thường tụng khi leo lên đỉnh Phú sĩ. Đột nhiên, thầy hô “dừng!” và học sinh phải dừng múa và đứng yên trong một điệu bộ nào đó mà chúng tự nghĩ ra. Thầy giáo cũng có thể làm điệu bộ với một tiếng hô xúc động, chẳng hạn như là ‘á chà,’ làm điệu bộ ‘ngẩng mặt nhìn trời’ hay có khi làm điệu bộ của ‘những người khốn khổ’ bằng cách cúi xuống rồi hai tay ôm lấy đầu.

Tuy nhiên, hình ảnh mà Totto-chan ưa thích trong lòng là một con thiên nga đeo vương miện lóng lánh và mặc đồ màu trắng có đường diềm chứ không phải là ‘toả rạng đầu non!’ hay ‘á chà.’

Một ngày nọ, Totto-chan lấy hết can đảm đến bên thầy giáo. Dù là đàn ông, ông ta để tóc xoăn và cắt ngang trán. Totto-chan giang hai tay ra và vẫy vẫy giống như cánh của một con thiên nga.

“Sắp tới thầy có dạy động tác nào giống như thế này không?” cô bé hỏi.

Thầy là một người đẹp trai có đôi mắt to, tròn và cái mũi khoằm.

“Ở đây, chúng ta không múa kiểu đó.” Thầy trả lời.

Sau đó, Totto-chan không đến học múa với ông ấy nữa. Thật ra, cô bé thích nhảy chân không, không mang giày múa ba lê và làm những điệu bộ tùy thích. Thế nhưng, sau cùng, điều cô bé thích nhất là đeo cho được cái vương miện nhỏ xíu sáng lấp lánh kia.

Thầy nói, “Hồ-thiên-nga thì đẹp đấy, nhưng thầy muốn hướng dẫn cho các em múa theo những gì mình thích.”

Cho đến mấy năm sau, Totto-chan mới biết được tên ông ta là Baku Ishii. Ông không chỉ là người giới thiệu cách múa ba lê tự do ở Nhật mà còn để lại cái tên Jiyugaoka (nghĩa là ‘đồi tự do’) cho địa phương này. Thêm vào đó và là điều quan trọng nhất, ông đã là 50 tuổi vào thời ấy, ông cố dạy cho Totto-chan có đam mê trong kiểu múa tự do.