Monday, July 13, 2009

36. 47 NGƯỜI RONIN *

Trong khi hệ thống giáo dục của thầy Kobayashi mang nét đặc trưng duy nhất vì thầy chịu ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng từ Châu Âu và các nước khác, như chúng ta đã thấy từ môn thể dục nhịp điệu ở trường Tomoe, những thói quen trong bữa ăn trưa, những cuộc đi dạo mát, cho đến bài hát khi ăn cơm trưa theo điệu của bài “Chèo, chèo, chèo thuyền đi.”

Cánh tay phải của người hiệu trưởng, tại một ngôi trường bình thường, là hiệu phó. Ở ngôi trường này, đó là thầy Maruyana. Thầy Maruyana, ở nhiều phương diện, hoàn toàn đối lập với thầy Kobayashi. Giống như cái tên ông, có nghĩa là ‘đồi tròn,’ đầu ông ta tròn quay, không có lấy một sợi tóc ở trên chóp đầu, nhưng có một chòm tóc bạc ở đằng sau ngang với mang tai. Thầy mang kính tròn và có đôi má đỏ tươi. Thầy không chỉ trông khác với thầy Kobayashi mà thầy còn thường xuyên đọc lại mấy bài thơ Trung Quốc cổ điển với giọng vô cùng trịnh trọng.

Vào buổi sáng ngày 14 tháng 12, khi học sinh đã tập trung đầy đủ ở trường, thầy Maruyana ra thông báo như thế này:

“Vào ngày này, cách đây gần 2 thế kỷ rưỡi, 47 người Ronin anh dũng đã trả được mối thù truyền kiếp ai cũng biết đến. Bây giờ, chúng ta sẽ đến các ngôi mộ của các dũng sĩ này tại đền Sengakuji để tỏ lòng tôn kính. Trường đã thông báo cho phụ huynh các em biết rồi.”

Thầy hiệu trưởng không phản đối chương trình của thầy Maruyana. Thầy Kobayashi nghĩ gì về việc này, phụ huynh học sinh không hề biết, mà họ chỉ biết rằng, nếu thầy hiệu trưởng không phản đối, có nghĩa là thầy phải đồng ý, và việc học sinh trường Tomoe viếng mộ 47 người Ronin thật ra là một việc hấp dẫn.

Trước khi lên đường, thầy Maruyama kể cho chúng nó nghe câu chuyện về 47 người nổi tiếng này. Vua Asano và quần thần đã âm mưu trong gần hai năm như thế nào để báo thù cho cái chết của sư phụ họ, người đã bị người ta vu khống một cách tệ hại. Bên cạnh 47 người này, còn có một thương gia cam đảm tên là Rihei Amanoya. Ông là người cung cấp vũ khí và khi bị quan chức của tướng quân Shogun bắt, ông tuyên bố: “Tôi, Rihei Amanoya, là một con người” và nhất quyết không đầu hàng hay khai báo bí mật gì cả. Bọn trẻ không hiểu nhiều về câu chuyện, nhưng chúng nó vui nhộn lên vì không phải học mà còn được đi bộ đến một nơi xa hơn cả đền Kuhonbutsu, lại được ăn cơm trưa ngoài trời nữa chứ.

Sau khi xin phép thầy hiệu trưởng và các thầy cô khác, tất cả 50 học sinh khởi hành, do thầy Maruyama hướng dẫn. Đây đó trong dòng bọn trẻ đang đi, tiếng đứa nào đó nói lại lời tuyên bố: “Tôi, Rihei Amanoya, là một con người.” Con gái cũng nói như vậy, làm cho nhiều người đi đường nghe được, ngoái lại nhìn chúng và cười.

Từ trường đến Sengakuji xa đến 7 dặm nhưng xe tuyến này khan hiếm lắm. Trời tháng 12 trong xanh. Bọn trẻ bước đi, dọc đường không ngớt bắn lên khẩu hiệu: “Tôi, Rihei Amanoya, là một con người,” con đường xa bây giờ không còn là xa nữa.

Khi đến Sengakuji, thầy Maruyama đưa cho mỗi đứa một cây nhang và vài cành hoa. Đền này nhỏ hơn đền Kuhonbutsu, nhưng có nhiều ngôi mộ sắp thành hàng. Trong suy nghĩ của cô bé Totto-chan, đây là một nơi linh thiêng để tưởng nhớ đến 47 người Ronin anh dũng.

Cô bé cảm thấy vô cùng uy nghiêm khi dâng nhang và hoa, quỳ yên lặng, bắt chước thầy Maruyama. Một bầu không khí trầm lặng bao trùm bọn trẻ. Hiếm khi học sinh trường Tomoe có thể yên lặng như vậy. Những vầng khói từ những nén nhang thắp trước mộ cuốn lên, như đang vẽ nên những bức tranh giữa bầu trời, lơ lửng mãi trong không trung.

Sau này, mùi nhang làm cho bọn trẻ nghĩ nhớ đến thầy Maruyama và ông Rihei Amanoya. Với chúng, đó cũng là hương thơm của sự trầm lặng.

Bọn trẻ có thể không hiểu tất cả những gì về 47 người Ronin, nhưng với thầy Maruyama, người đã sôi nổi kể về những con người này như thế, bọn trẻ tỏ lòng tôn trọng và thương kính như đối với thầy Kobayashi vậy, nhưng theo một cách khác. Totto-chan thích đôi mắt nhỏ xíu của thầy nhô lên sau mặt kính dày và giọng nói nhỏ nhẹ tưởng chừng như không cân xứng với thân hình vạm vỡ của Thầy.

(*) Những người lính dũng cảm và giàu tinh thần võ sĩ đạo của đẳng cấp vô chủ Sumarai ở Nhật (ND).