Friday, July 10, 2009

32. NGÀY HỘI THỂ THAO


Ngày 3 tháng 11 là ngày trường Tomoe tổ chức ngày hội thể thao hằng năm. Thầy hiệu trưởng quyết định chọn ngày này sau khi đã tìm hiểu cẩn thận. Thầy tìm ra rằng ngày 3 tháng 11 nhằm vào mùa thu, là ngày ít khi có mưa nhất. Có thể là nhờ vào khiếu sưu tầm các thông tin về thời tiết của thầy, cũng có thể trời và mây quan tâm chiếu cố đến mong muốn của thầy rằng trời không mưa để rồi làm hỏng ngày hội thể thao bởi vì tất cả học sinh tham dự phải trang trí sân trường từ ngày trước và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Quả thật, một sự kỳ lạ là trời hầu như không bao giờ mưa vào ngày đó.

Nhiều sự kiện diễn ra ở trường Tomoe đều rất khác. Ngày hội thể thao cũng có tính độc đáo. Những môn thể thao giống như ở các trường tiểu học khác chỉ có kéo co và chạy đua ba chân. Những môn thể thao còn lại đều do thầy hiệu trưởng chế ra. Không đòi hỏi phải có dụng cụ đặc biệt hay cụ thể nào, bọn trẻ chỉ sử dụng những đồ dùng quen thuộc hằng ngày sẵn có trong trường.

Ví dụ như môn “chạy đua cá chép.” Một miếng vải lớn hình ống, cắt theo hình dáng và sơn màu giống như con cá chép, được đặt ở giữa sân trường. Nó giống như những ống vải được căng ra từ đầu này đến đầu kia trong ngày Lễ Hội Con Trai vào tháng Năm ấy mà. Khi có hiệu lệnh, bọn trẻ ùa chạy về phía mấy con cá chép hình ống, chui vào bên trong bụng từ đằng miệng, rồi bò ra đằng đuôi, xong chạy trở về điểm xuất phát. Có ba con cá chép, một con màu đỏ và hai con màu xanh, do đó mỗi lần chỉ có ba đứa thi thôi. Cuộc thi có vẻ dễ nhưng thật ra rất khó. Bên trong tối đen, cá chép thì dài và chúng rất dễ bị mất hướng. Một số đứa, cả Totto-chan, lại đi ra ở đầu miệng và khi nhận ra như vậy là không đúng, chúng nó vội vàng chui vào bên trong trở lại. Nếu đứng xem thì thấy tức cười vô cùng khi bọn trẻ bò tới bò lui bên trong, cá chép ngoe nguẩy như thể đang còn sống vậy.

Hay một trò chơi khác là ‘thi tìm mẹ.’ Khi có tín hiệu, bọn trẻ chạy về chỗ chiếc thang gỗ, rồi bò lên chiếc thang, luồn qua các nấc thang, lấy một mẩu giấy từ trong cái rổ, mở ra xem. Nếu trong tờ giấy có ghi , ví dụ, ‘mẹ của Sakko-chan.’ Bọn trẻ phải đi tìm bà ấy trong đám đông đi xem, nắm lấy tay bà và dắt lại, như thế là về đến đích trong cuộc chơi.

Người chơi phải uốn thân thật dẻo khi luồn qua các nấc thang, uyển chuyển như thân con mèo con, nếu không, phần thân dưới sẽ bị kẹt lại. Ngoài ra, đứa trẻ có nhiệm vụ đi tìm có thể biết rõ mẹ của Sakko-chan là ai, nhưng nếu trong tờ giấy ghi là ‘chị của cô Oku’ hay ‘mẹ của ông Tsue’ hay là ‘con của bà Kuninori,’ người mà đứa trẻ chưa từng gặp, thì nó phải đến chỗ khán giả ngồi, hô lớn lên ‘chị của cô Oku.’ Muốn làm được vậy cần phải có cam đảm. Những đứa trẻ nào may mắn bốc nhằm tờ giấy ghi tên mẹ mình, chúng nhảy cẫng lên và la lớn ‘mẹ ơi, mẹ ơi, nhanh lên.’ Những người khán giả cũng cảnh giác với trò chơi này. Không ai báo trước cho họ biết tên người nào sẽ được kêu và tất cả họ phải sẵn sàng, nhanh chóng bước ra khỏi ghế hay thảm nơi họ đang ngồi, xin lỗi những người xung quanh, rồi nhanh chóng chạy đến chỗ đứa bé đang đứng đợi, nắm lấy tay đứa bé rồi chạy đi. Do vậy, khi một đứa bé đến trước những người lớn, thậm chí các bậc chaa mẹ, cũng nín thở và tự hỏi ai sẽ là người được gọi đây. Không có thời gian nhiều để nói chuyện phiếm hay nhấm nháp thức ăn. Với cách này, người lớn cũng tích cực tham gia vào các trò chơi gần như bọn trẻ vậy.

Thầy hiệu trưởng và các thầy cô giáo gia nhập cùng với bọn trẻ chia thành hai đội để thi kéo co, vừa kéo vừa reo la “dô ta, hò dô ta,” trong khi các em khuyết tật như Yasauki-chan không thể kéo thì có nhiệm vụ là dán mắt vào chiếc khăn tay cột ở giữa dây để coi bên nào thắng cuộc.

Cuối cùng, cuộc ‘chạy đua tiếp sức’ ở trường Tomoe mà cả trường cùng tham gia cũng khác. Không ai phải chạy đi xa cả. Tất cả những gì một người tham gia cuộc chơi cần làm là chạy xuống chạy lên mấy bậc thang có hình bán nguyệt dẫn đến hội trường. Thoạt tiên, điều này dường như dễ dàng đến không thể tưởng, thế nhưng những bậc thang này cạn, nằm kế sát nhau, và mọi người bắt buộc phải bước từng nấc thang một. Điều này trở thành khó khăn cho những ai cao hay có bàn chân lớn. Những bậc thang quen thuộc mà bọn trẻ nhảy lên đó mỗi ngày khi đến giờ ăn trưa đã trở thành một đề tài mới và vui thích trong ngày hội thể thao. Bọn trẻ chạy lên chạy xuống trông thật vui nhộn. Nếu ai đó nhìn từ đằng xa, quang cảnh nhộn nhịp như là nhìn vào kính vạn hoa. Tính luôn cả bậc thang trên cùng thì có tất cả là tám bậc thang.

Đối với Totto-chan và các bạn, ngày hội thể thao đầu tiên là một ngày đẹp, đúng như thầy hiệu trưởng mong muốn. Từ ngày hôm trước, bọn trẻ đã trang trí những chuỗi giấy dài và cắt dán đầy những ngôi sao vàng. Chúng mở máy đĩa quay lại những cuộc diễu hành sôi động làm cho ngày thể thao tưng bừng như một ngày lễ hội.

Totto-chan mặc quần ngắn màu xanh nước biển và áo trắng mặc dù cô bé thích mặc quần thể thao buộc túm. Cô bé ao ước được mặc loại đồ này. Một hôm, sau giờ học, thầy hiệu trưởng dạy thể dục nhịp điệu cho mấy cô giáo trường mầm non, và Totto-chan rất thích quần thể thao buộc túm mà có mấy cô ấy đang mặc. Điều cô bé thích nhất là khi mấy cô này giậm chân lên đất, phần đùi dưới của mấy cô rung rinh làm cho quần buộc túm khẽ lay động trông rất dễ thương và ra vẻ người lớn. Cô bé chạy về nhà, thay bộ đồ ngắn ra và mặc quần buộc túm vào rồi giậm trên nền nhà. Cô bé ốm, lại là trẻ con, cái đùi dưới không rung rinh tí nào cả. Sau khi thử đi thử lại nhiều lần, cô bé kết luận rằng chính vì những đặc điểm ấy mà mấy cô kia mặc loại đồ này. Cô bé hỏi mấy cô ấy mặc cái đó gọi là gì, mẹ mới giải thích đó là quần thể thao buộc túm. Totto-chan nói với mẹ là cô bé rất muốn mặc quần như thế trong ngày hội thể thao nhưng hai mẹ con không tìm được cái nào cỡ nhỏ cả. Do đó, Totto-chan đành lòng phải mặc quần ngắn, không thể tạo nên chút rung rinh nào cả, chao ôi.

Một điều ngạc nhiên xảy ra trong ngày hội thể thao nữa là, Takahashi, cậu bé có đôi chân và tay ngắn củn và là học sinh nhỏ nhất trường ấy, đã đoạt giải nhất trong mọi môn chơi. Điều này không thể tin nổi. Trong khi những đứa trẻ khác còn bò lom khom trong bụng cá chép, Takahashi-chan đã chui ra, nhanh như chớp. Thế rồi trong khi người khác mới chui được cái đầu vào thang, cậu bé đã chui ra khỏi và chạy trước đó mấy thước rồi. Trong cuộc thi chạy đua tiếp sức, trong khi mọi người vụng về đặt từng bước chân lên từng bậc thang, Takahashi-chan, với đôi chân ngắn của mình, di chuyển như một cái pít tông, vọt một cái là đã leo lên đến nơi và lại vọt xuống như một cuốn phim quay nhanh.

“Chúng ta cố gắng và vượt qua Takahashi-chan mới được.” tất cả đều nói như vậy.

Quyết sao cho vượt qua Takahashi-chan, bọn trẻ cố gắng hết sức, nhưng dù đã nỗ lực, Takahashi-chan vẫn thắng. Totto-chan cố gắng hết sức mình, nhưng vẫn không sao thắng được Takahashi-chan cả. Chúng nó có thể trội hơn cậu bé khi đua đường thẳng, nhưng lại thua cậu đối với những yêu cầu hơi khó một tí.

Takahashi-chan lên nhận phần thưởng, trông rất vui vẻ, tự hào và mãn nguyện. Môn nào cậu bé cũng đoạt nhất nên cậu nhận hết phần thưởng này đến phần thưởng khác. Mọi người nhìn cậu mà không khỏi ghen tỵ.

“Mình sẽ vượt qua Takahashi-chan vào năm tới,” một đứa nào đó nói. Thế nhưng, năm nào cũng vậy,Takahashi-chan trở thành một vận động viên sáng giá của trường.

Bây giờ, về phần thưởng, lại là một nét độc đáo của thầy hiệu trưởng nữa. Phần thưởng Giải Nhất là một củ cải trắng khổng lồ; phần thưởng Giải Nhì là mớ rễ ngưu bàng; phần thưởng Giải Ba là một bó rau bi na. Cứ như thế mà nhận thưởng. Mãi đến sau này, khi đã lớn, cô bé Totto-chan vẫn cứ tưởng tất cả các trường đều dùng rau củ làm quà cho ngày hội thể thao.

Vào thời ấy, hầu hết các trường thường phát phần thưởng hay quà bằng tập vở, bút chì và tẩy. Học sinh trường Tomoe không biết điều đó, nhưng chúng không vui khi nhận quà là rau củ. Điển hình như trường hợp của Totto-chan, cô bé nhận được rễ ngưu bàng và mấy củ hành, cảm thấy mắc cỡ khi phải mang những thứ này lên tàu. Nhiều phần thưởng thêm vào dành cho đủ các loại giải khác nhau, do đó, cuối ngày hội thể thao, tất cả học sinh trường Tomoe đều có vài loại rau củ. Bây giờ, quay sang vấn đề tại sao bọn trẻ lại cảm thấy mắc cỡ khi đi từ trường về nhà và mang theo những thứ rau củ ấy? Nếu bảo đi mua rau củ, không đứa nào cảm thấy ngại cả. Thế nhưng, cọc cạch mang rau củ từ trường về nhà thì trông thật kỳ cục.

Một đứa con trai mập mạp lãnh được một cái bắp cải, nó không biết phải làm thế nào.

“Mình không muốn mọi người thấy mình mang bắp cải đi,” thế là cậu bé vứt nó.

Thầy hiệu trưởng nghe được những lời phàn nàn, thầy đi đến chỗ bọn trẻ, đứa thì có cà rốt, đứa thì được củ cải trắng hay thứ gì đó khác.

“Có chuyện gì thế? Tại sao các em không thích những thứ này?” Thầy hỏi, rồi nói tiếp, “hãy đem về và mẹ nấu cho bữa tối nay. Đó là rau củ tự bản thân các em làm ra mà. Em nên dành cho gia đình phần rau củ bằng chính sức lao động của mình. Coi thử nó như thế nào? Thầy chắc chắn nó rất là ngon.”

Tất nhiên, thầy nói đúng. Ví dụ như, với Totto-chan, cô bé chưa bao giờ có một cái gì đóng góp vào bữa cơm tối gia đình cả.

Cô bé nói với thầy hiệu trưởng, “Em sẽ nói với Mẹ ướp gia vị vào rễ ngưu bàng, thế nhưng em chưa biết phải nói với Mẹ làm món gì với mấy củ hành này.”

Thế rồi tất cả bọn trẻ đều bắt đầu suy nghĩ ra thực đơn của mình, xong chúng kể cho thầy hiệu trưởng nghe.

“Tốt! bây giờ các em đã hiểu rồi chứ gì,” Thầy nói và mỉm cười, gò má ửng đỏ lên. Có lẽ Thầy đang nghĩ khi Ba Mẹ và các em cùng nhau ăn những thứ rau củ này và kể chuyện về các sinh hoạt trong ngày hội thể thao chắc là vui lắm.

Rõ ràng là thầy đang nghĩ về trường hợp đặc biệt của Takahashi – bàn ăn tối nay của gia đình cậu bé chắc sẽ rất xôm tụ với những phần thưởng cậu nhận được từ Giải Nhất. Thầy hy vọng là cậu bé nhớ lại mà tự hào và sung sướng với những giải nhất mình đoạt được trước khi cậu biểu lộ tâm lý mặc cảm về kích thước cơ thể mình, vì thật ra, Takahashi không bao giờ lớn lên được nữa. Và có thể, ai cũng biết, thầy hiệu trưởng đã nghĩ ra những trò chơi kỳ lạ chỉ có ở Tomoe cốt chỉ để cho Takahashi có thể đoạt giải nhất.