Monday, July 6, 2009

30. VÀ RỒI…Ờ…

Giờ ăn trưa ở trường Tomoe lúc nào cũng vui, nhưng dạo gần đây, có thêm niềm vui mới.

Thầy hiệu trưởng vẫn tiếp tục kiểm tra những hộp cơm trưa của tất cả 50 học sinh để coi các em có đem “một ít từ biển, một ít từ núi’ hay không và vợ thầy với hai cái chảo thức ăn sẵn sàng cung cấp bổ sung thứ nào còn thiếu trong phần ăn của bọn trẻ. Sau đó, tất cả đều hát “nhai, nhai, nhai cho kỹ; những gì chúng ta ăn,” sau đó cùng nói lên “Xin cám ơn khi thọ nhận thức ăn này.” Thế nhưng từ nay trở đi, sau khi nói “Xin cám ơn khi thọ nhận thức ăn này,” một học sinh nào đó sẽ có vài lời chia sẻ.

Một hôm, thầy hiệu trưởng nói “Thầy nghĩ là tất cả chúng ta nên học cách nói chuyện hay hơn. Các em có nghĩ như vậy không? Từ nay, trong khi chúng ta đang ăn trưa, sẽ có một em, mỗi ngày từng em một, đứng ở giữa vòng tròn này và kể cho chúng ta nghe một điều gì đó. Các em thấy thế nào?”

Một số đứa nghĩ rằng chúng không giỏi về kỹ năng nói, nhưng nghe người khác nói thì thích lắm. Có đứa nghĩ thật là tuyệt khi chúng có cơ hội chia sẻ người khác những gì chúng biết. Totto-chan chưa biết mình sẽ nói gì nhưng cũng muốn thử xem sao. Hầu hết bọn trẻ đều thích ý kiến thầy hiệu trưởng đưa ra và như thế, chúng quyết định sẽ bắt đầu việc nói chuyện vào ngày hôm sau.

Trẻ em Nhật ở nhà thường được dạy là không nói chuyện trong bữa ăn. Thế nhưng với kinh nghiệm học được từ nước ngoài, thầy hiệu trưởng thường khuyến khích học sinh dùng nhiều thời gian cho bữa ăn và tùy thích trao đổi trò chuyện.

Vả lại, thầy hiệu trưởng nghĩ rằng học cách đứng trước mọi người và diễn đạt ý tưởng của mình một cách lưu loát và tự nhiên không e ngại là điều cần thiết. Do đó, ông quyết định đây là dịp để áp dụng lý thuyết vào thực tế vậy.

Khi bọn trẻ đã đồng ý với ý kiến của thầy, đây là lời thầy nói và Totto-chan chú ý lắng nghe:
“Các em không phải lo lắng, không cần cố gắng để trở thành một người diễn thuyết giỏi,” thầy nói, “và các em có thể nói bất cứ điều gì các em thích. Các em có thể nói về những việc mình thích làm. Bất cứ điều gì. Bằng mọi giá, các em nên làm thử.”

Thứ tự những người nói đã được quyết định. Và có quy định thế này; người nào đến phiên nói hôm đó thì ăn cơm nhanh lên, ngay khi bài hát chấm dứt thì bắt đầu ăn ngay.

Chẳng bao lâu, học sinh nhận ra rằng, không giống như trao đổi chuyện trò giữa hai hay ba đứa bạn ngồi gần trong giờ ăn, ra đứng giữa học sinh toàn trường cần phải có can đảm và điều này thật khó. Lúc đầu, có nhiều đứa mắc cỡ quá và chúng chỉ cười khúc khích. Một đứa con trai đã cố gắng bỏ công chuẩn bị kỹ lưỡng bài nói chuyện, thế mà cậu bé quên hết khi vừa mới đứng lên. Cậu bé lặp đi lặp lại nhiều lần cái tựa đề nghe chừng hay lắm “Tại sao ếch nhảy ven đường” rồi bắt đầu nói “khi trời mưa…” nhưng không nói được gì thêm. Cuối cùng, cậu nói “hết rồi” và cúi đầu chào rồi trở về chỗ cũ.

Phiên của Totto-chan chưa đến, nhưng cô bé quyết định khi nào đến phiên mình, cô bé sẽ kể câu chuyện cô bé thích, đó là “công chúa và hoàng tử.” Bọn trẻ đứa nào cũng biết câu chuyện này và bất cứ khi nào Totto-chan muốn kể câu chuyện đó trong giờ nghỉ, tụi nó đều nói “chúng mình chán ngấy câu chuyện ấy rồi.” Điều đó không có ý nghĩa gì, cô bé vẫn quyết định đây là câu chuyện cô bé sẽ kể.

Chương trình mới này đã được bắt đầu khá tốt thì bỗng một hôm, đứa bé nhận phiên ngày hôm đó từ chối một cách cương quyết.

“Mình không có điều gì để nói,” cậu bé tuyên bố.

Totto-chan ngạc nhiên nghĩ rằng có thể nào một người không có gì để kể. Thế nhưng cậu bé này thì nhất quyết không. Thầy hiệu trưởng đi đến chỗ bàn cậu bé ngồi với hộp cơm đã dùng hết rồi.

“Như vậy em không có điều gì để nói à?” Thầy nói.

“Dạ không có ạ.”

Cậu bé không có vẻ gì tỏ ra lém lỉnh hay đại loại như thế. Cậu bé thật tình không nghĩ ra được điều gì để có thể nói.

Thầy hiệu trưởng ngả đầu ra sau cười, không quan tâm đến khoảng trống do mấy chiếc răng rụng để lại.

“Hãy thử coi và tìm ra nơi em cái gì đó nói cũng được.”

“Tìm nơi em có cái gì à?” đứa bé dường như giật mình.

Thầy hiệu trưởng bảo cậu bé đứng ra giữa vòng tròn và thầy ngồi vào chỗ cậu bé.

“Cố gắng nhớ thử xem,” Thầy nói, “sáng nay, sau khi thức dậy và trước khi đi đến trường, em làm những gì. Em làm gì trước tiên?”

“Dạ được rồi,” cậu bé trả lời và đưa tay gãi đầu.

“Tốt,” thầy hiệu trưởng nói. “Em đã nói ‘được rồi’ đó.”

“Nhất định em có cái để nói mà. Thế thì em làm gì nào?”

“À…ờ… em thức dậy,” cậu bé nói, gãi đầu còn nhiều hơn.

Totto-chan và những đứa trẻ khác cảm thấy rất tức cười, nhưng chú ý lắng nghe. Cậu bé tiếp tục: “Rồi…ờ…” lại đưa tay gãi đầu nữa. Thầy hiệu trưởng kiên nhẫn ngồi nhìn cậu bé, với nụ cười nở trên khuôn mặt và tay vỗ xuống bàn. Rồi thầy nói: “Thật là tuyệt. Vấn đề là thế. ‘Sáng nay em thức dậy.’ Em không cần phải pha trò hay làm cho mọi người cười để trở thành một người diễn thuyết giỏi. Điều quan trọng là em nói em không có gì để nói và cuối cùng em đã tìm ra điều để nói rồi đó.”

Thế nhưng cậu bé vẫn chưa chịu ngồi xuống. Cậu bé nói với giọng rất lớn, “và rồi…ờ…”

Tất cả bọn trẻ chồm người về phía trước. Cậu bé thở một hơi dài rồi nói tiếp “và rồi…ờ…mẹ em…ờ…, mẹ bảo là “đi đánh răng đi”…ờ…thế là em đi đánh răng.”

Thầy hiệu trưởng vỗ tay. Mọi người cũng vỗ tay theo. Thế rồi cậu bé, với giọng lớn hơn trước, lại tiếp tục “và rồi…ờ…”

Bọn trẻ ngừng vỗ tay và lắng nghe trong hơi thở hồi hộp, chồm về phía trước nhiều hơn.
Cuối cùng, cậu bé nói, với giọng vui vẻ nói một hơi “và rồi…ờ…em đi đến trường.”

Một thằng bé trai lớp lớn hơn ngồi chồm về phía trước nhiều quá, mất thăng bằng, đập mặt xuống hộp đựng cơm. Thế nhưng mọi người vô cùng hài lòng khi thấy rằng cậu bé đã tìm ra được một cái gì đó để nói.

Thầy hiệu trưởng vỗ tay không ngớt, Totto-chan và bọn trẻ cũng vỗ tay. Cậu bé ‘và rồi…ờ…’ vẫn còn đứng giữa vòng tròn cũng vỗ tay.

Ngay cả khi sau này trở thành người lớn, cậu bé đó có lẽ sẽ không bao giờ quên được tiếng vỗ tay hoan hô hôm ấy.