Wednesday, July 1, 2009

27. QUẦN ÁO XẤU NHẤT CỦA CHÚNG


Thầy hiệu trưởng luôn bảo Ba Mẹ cho các em đến trường Tomoe với quần áo xấu nhất. Thầy muốn học sinh mặc đồ xấu để không phải bận tâm nếu chúng bị dơ hay rách. Thầy nghĩ thật là tội nghiệp cho trẻ con nếu chúng cứ phập phồng lo sợ bị la rầy khi quần áo bị dơ hay ngần ngại không dám tham gia vào một trò chơi nào đó vì sợ quần áo sẽ bị rách. Có mấy trường tiểu học gần trường Tomoe, học sinh nữ mặc áo đồng phục kiểu thủy thủ, học sinh nam mặc áo vét cổ cao và quần ngắn. Trong khi đó, học sinh trường Tomoe mặc đồ thường đi học và thầy cô cho phép chúng tham gia bất cứ trò chơi nào chúng thích mà không cần bận tâm về áo quần. Thời ấy, quần không có loại nào bền như quần jean bây giờ và do đó, tất cả bọn con trai đều mặc quần vá và con gái mặc váy và áo đầm bằng thứ vải chắc chắn nhất thời đó.

Một sở thích của Totto-chan là bò dưới những hàng rào của vườn người khác hay ở những khu đất trống, vì thế cho nên ăn mặc sao để không cần để tâm gì đến áo quần là điều rất phù hợp với cô bé. Vào thời ấy, có rất nhiều hàng rào kẽm gai và một số hàng rào, người ta căng dây kẽm sát mặt đất. Một người muốn chui qua hàng gai kẽm như thế buộc phải đào bới đất như một con chó. Dù cẩn thận hết mực, Totto-chan luôn vắt áo quần mình vào gai kẽm và bị xé rách. Một lần, khi cô bé đang mặc một chiếc áo đầm bằng vải lụa đã cũ mòn xơ chỉ, nó bị rách thành mảnh vụn từ trên xuống dưới. Mặc dù cũ, cô bé biết Mẹ rất thích chiếc áo đầm này, do vậy, Totto-chan vắt óc để suy nghĩ phải nói với mẹ như thế nào đây. Cô bé nghĩ mình không thể nói với Mẹ là chiếc áo bị mắc vào hàng rào kẽm gai nên bị rách. Totto-chan nghĩ đến việc dựng ra một câu chuyện cho ra vẻ rằng việc cái áo rách là điều không thể tránh khỏi. Câu chuyện cô bé dựng ra như thế này:

“Trên đường con đi học về nhà,” cô bé nói dối như vậy, “có một đám đông trẻ con mà con không hề biết, đã dùng dao ném vào lưng con. Do đó, áo của con mới rách ra như thế này.” Thế nhưng khi nói như vậy, cô bé tự hỏi, làm sao để trả lời những câu hỏi Mẹ đặt thêm cho cô bé đây.

May mắn làm sao, Mẹ chỉ nói: “Thật là khủng khiếp.”

Totto-chan trút một tiếng thở dài nhẹ nhõm. Rõ ràng là Mẹ hiểu được, trong những tình huống như thế, việc rách chiếc áo Mẹ thích là một điều không thể tránh khỏi.

Cô bé không ngờ rằng, đương nhiên là mẹ không thể nào tin về việc cô bé bị ném dao. Dao mà ném vào lưng Totto-chan thì cô bé phải bị thương và bị rách đồ chứ, đằng này cô bé không tỏ ra sợ hãi gì với việc ấy cả. Ngay lập tức, Mẹ nhận ra đó là câu chuyện bịa đặt. Tuy nhiên, hiếm khi Totto-chan xin lỗi bằng cách nói dài dòng như vậy. Mẹ nhận ra rằng Totto-chan cảm thấy rất nặng lòng về chiếc áo đó và dựng lên một câu chuyện như thế để mẹ cô bé yên tâm. Thế nhưng mẹ cũng muốn biết về sự thật vấn đề vào một dịp nào đó và đây là cơ hội tốt để tìm hiểu.

“Mẹ có thể thấy áo của con bị dao rạch và rách ra như thế này. Thế còn quần của con, sao ngày nào nó cũng rách như thế kia?”

Mẹ không thể nào hiểu nổi làm cách nào mà cái quần có dải đăng ten gọn gàng của Totto-chan cứ mỗi ngày mỗi rách ở bên mép. Mẹ có thể thấy quần bị dơ, bị những vết sướt nhỏ, hay te rách dưới lai quần, chứ làm gì mà rách ra từng mảnh vụn đến nông nổi này?

Totto-chan suy nghĩ một lát về điều này, rồi nói “Mẹ biết đó, khi Mẹ đào bới dưới một cái hàng rào để chui qua, Mẹ không thể nào vừa cầm cái váy vừa chui qua, và cả quần nữa, khi cái lưng còn ở ngoài hàng rào, Mẹ phải nói là ‘xin lỗi, tôi vào có được không?’ và ‘ồ, tạm biệt nhé’ từ cuối bờ rào này đến bờ rào kia, do đó quần Mẹ và mọi thứ đều phải rách thôi.”

Mẹ không thể nào hiểu nổi, nhưng có cái gì đó thật tức cười.

“Làm như thế vui lắm hả?” Mẹ hỏi.

“Tại sao mẹ không làm thử?” cô bé trả lời và ngạc nhiên với câu hỏi của Mẹ. “Nó thật là vui và Mẹ cũng sẽ chịu rách quần như vậy thôi à.”

Trò chơi Totto-chan thích thú và hồi hộp diễn ra như thế này:

Trước hết, bạn phải tìm một khoảng đất trống rộng có hàng rào kẽm gai bao quanh. Nói “xin lỗi, tôi vào có được không?,” đồng thời giở hàng kẽm gai có mấu nhọn lên, đào một cái lỗ, rồi bò xuống đó để chui vào. Một khi đã vào được bên trong rồi, chúng ta lại đào một cái lỗ khác từ hàng rào kế tiếp. Lần này, chúng ta phải ngoái lại và nói ‘ồ, tạm biệt nhé.” Mẹ hiểu ra rằng khi Totto-chan kéo váy lên và lui ra ngoài, chiếc quần cô bé bị mắc lại trên dây kẽm gai. Cái quy trình như thế được lặp đi lặp lại – đào bới dưới hàng rào và nói ‘xin lỗi, tôi vào có được không?’ và chui ra qua một cái lỗ mới đào khác rồi nói ‘ồ, tạm biệt nhé,’ nên váy và quần cứ rách trong mỗi lần làm như thế. Totto-chan cứ vui sướng bò tới bò lui theo đường ngoằn ngoèo đào bới dưới hàng rào kẽm gai từ đầu này đến đầu kia mà không hề quan tâm đến việc rách quần.

Nghĩ đến một trò chơi như thế, người lớn cảm thấy mệt mỏi, chẳng có gì để gọi là vui, nó có thể vui chăng là đối với trẻ con! Nhìn Totto-chan, tóc, móng tay và ngay cả tai bám đầy bụi đất, Mẹ không khỏi không khởi lên một chút ghen tị! Mẹ cảm thấy vô cùng cảm phục thầy hiệu trưởng. Ông đề nghị cho các em mặc đồ cũ để chúng mặc tình bôi dơ là một ví dụ cho thấy ông hiểu rất nhiều về trẻ con.