Monday, June 29, 2009

25. THỂ DỤC NHỊP ĐIỆU

Sau khi kỳ nghỉ hè qua đi, học kỳ II bắt đầu. Ở Nhật, năm học mới bắt đầu vào tháng tư. Ngoài bạn bè cùng lớp, bây giờ Totto-chan đã có thêm bạn là những anh chị học lớp lớn hơn nhờ vào những dịp chúng tham gia với nhau trong kỳ nghỉ hè. Và càng ngày cô bé càng thích ngôi trường Tomoe nhiều hơn.

Thật ra, một phần là do những lớp học ở trường Tomoe khác với những trường khác, nhưng phần lớn cô bé thích là vì trường này dành nhiều thời giờ cho âm nhạc. Những bài học về âm nhạc rất đa dạng, gồm cả môn thể dục nhịp điệu mà bọn trẻ học mỗi ngày. Đó là một loại giáo dục về sự cân đối hài hòa do một nhạc sĩ và là một thầy giáo người Thụy sĩ tên là Emile Jaques Dalcroze chủ trương. Những công trình nghiên cứu của ông được mọi người biết đến vào khoảng năm 1904. Hệ thống giáo dục này nhanh chóng được áp dụng khắp nơi ở Châu Âu và Châu Mỹ và các viện nghiên cứu đào tạo mọc lên khắp nơi. Đây là câu chuyện về việc trường Tomoe đã tiếp nhận hệ thống giáo dục nhịp điệu của Dalcroze như thế nào.

Trước khi mở trường Tomoe, thầy hiệu trưởng Sosaku Kobayashi đã đi Châu Âu để nghiên cứu về giáo dục trẻ em ở nước ngoài. Thầy đã đến tìm hiểu rất nhiều trường tiểu học và nói chuyện với nhiều nhà giáo dục. Ở Pari, thầy gặp được Dalcroze, một nhạc sĩ tài hoa và là một nhà giáo dục.

Dalcroze đã bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu, làm thế nào để dạy trẻ em nghe và cảm nhận âm nhạc bằng tâm chứ không phải bằng lỗ tai, làm thế nào để chúng cảm nhận âm nhạc như một cái gì đó sống động hơn là một môn học không có sự sống và vô hồn, làm thế nào để khơi dậy tính nhạy cảm ở một đứa trẻ?

Cuối cùng, sau khi quan sát cách trẻ em chạy, nhảy và nô đùa, ông nảy ra ý kiến tạo ra một loại thể dục tạo nên sự hài hoà, nhịp nhàng gọi là thể dục nhịp điệu.

Thầy Kobayashi trải hơn một năm tại trường của ông Dalcroze ở Pari và nghiên cứu về hệ thống giáo dục này rất kỹ. Nhiều người Nhật chịu ảnh hưởng hệ thống giáo dục của ông Dalcoze như là: nhạc sĩ Koscak Yamada, vũ sư của các điệu múa hiện đại của Nhật Baku Ishii, diễn viên Ichikawa Sadanji Il ở Kabuki, người tiên phong viết kịch hiện đại Kaoru Osannai; diễn viên múa Michio Ito. Tất cả những người này đều cảm nhận rằng chủ trương của Dalcroze là nền tảng cho nhiều môn nghệ thuật khác. Thế nhưng thầy Sosaku Kobayashi là người đầu tiên áp dụng loại hình âm nhạc này vào giáo dục tiểu học ở Nhật.

Nếu có ai hỏi thầy giáo dục nhịp điệu là gì, thầy sẽ trả lời: “Đó là một loại thể thao có tác dụng thanh lọc cơ chế hoạt động của thân; một loại hình thể thao nhằm trau luyện cái tâm để tâm có thể sử dụng và điều khiển cái thân; một loại thể thao giúp thân và tâm hiểu ra được âm điệu nhịp nhàng cân đối. Tập thể dục nhịp điệu làm cho người ta có được một nhân cách cân đối, nhịp nhàng. Và một nhân cách cân đối thì đẹp và khỏe, phù hợp và thuận theo các quy luật tự nhiên.”

Lớp của Totto-chan bắt đầu tập cho thân thể hiểu được âm điệu nhịp nhàng. Thầy hiệu trưởng đàn pi-a-nô trên một cái bục nhỏ trong giảng đường, còn bọn trẻ, đứng ở đâu tùy thích, bắt đầu bước theo điệu nhạc. Chúng có thể bước theo bất cứ kiểu nào chúng thích, làm thế nào mà đừng va vào người khác là được, do đó, chúng có khuynh hướng đi theo vòng tròn và di chuyển cùng một chiều. Nếu chúng nghĩ rằng tiếng nhạc là nhịp đôi, chúng bước đi và đưa tay lên-xuống theo điệu nhạc như một người nhạc trưởng. Chúng nó không được đi với bước chân nặng nề, nhưng không có nghĩa là chúng nhón lên và đi trên ngón như các vũ nữ ba lê. Chúng được dạy là đi trong tư thế hoàn toàn thoải mái, y như thể chúng lướt trên các ngón chân. Điều quan trọng nhất cần lưu ý là hãy đi một cách tự nhiên. Do đó, chúng có thể đi theo bất cứ kiểu nào chúng thích. Nếu điệu nhạc chuyển sang nhịp ba, chúng vẫy tay theo nhịp và điều chỉnh khoảng cách cũng như nhịp độ, bước nhanh hơn hay chậm hơn tùy theo yêu cầu. Chúng tập đưa tay lên xuống nhịp nhàng theo điệu nhạc cho đến nhịp sáu. Nhạc nhịp bốn thì đơn giản thôi.

“Xuống, quanh người, ra hai bên và lên.”

Nhưng khi nhạc chuyển sang nhịp năm thì:
“Xuống, quanh người, ra phía trước, ra hai bên và lên.”

Khi điệu nhạc là nhịp sáu thì sự di chuyển của tay như sau:
“Xuống, quanh người, ra phía trước, quanh người một lần nữa, ra hai bên và lên.”

Do đó, mỗi lần đổi nhịp thì hơi khó khăn một tí.

Một điều khó hơn nữa là khi thầy hiệu trưởng nói lớn “lúc thầy đổi nhịp đàn pi-a-nô, các em vẫn chưa được thay đổi gì, đợi khi nào thầy bảo đổi thì mới đổi.”

Giả sử như khi đang đi theo điệu nhạc nhịp đôi thì nhạc chuyển sang nhịp ba, bọn trẻ vẫn đi theo nhịp đôi trong khi nghe điệu nhạc nhịp ba. Điều này thật khó, nhưng thầy hiệu trưởng bảo làm như thế là để luyện cho các em khả năng chú ý.

Cuối cùng thì thầy hô lên: “Nào, các em đổi đi.”

Cảm thấy nhẹ nhõm, bọn trẻ ngay lập tức chuyển sang điệu nhịp ba. Thế nhưng, muốn làm được điều này, bọn chúng phải đặc biệt nhạy bén. Khi mà trong tâm vừa bỏ điệu nhạc đôi và nhận một thông điệp để điều khiển các cơ bắp di chuyển theo nhịp ba, thì nhạc đột nhiên có thể chuyển sang điệu nhịp năm. Lúc đầu, tay chân chúng huơ loạn xạ và chúng la lên: “Thầy ơi, đợi tí! đợi tí!” Thế nhưng qua nhiều lần tập luyện, sự di chuyển trở nên dễ dàng hơn và học sinh cũng muốn có sự thay đổi như thế và chúng rất phấn khởi về việc này.

Thông thường, bọn trẻ di chuyển theo từng cá nhân, nhưng đôi khi chúng đi theo cặp, vừa đi vừa nắm tay nhau khi nhạc vang lên theo nhịp đôi. Hay chúng nó tập đi mà mắt nhắm lại. Điều cấm kỵ nhất trong khi đi là nói chuyện với nhau.

Thỉnh thoảng, trong cuộc họp phụ huynh, những bà mẹ có thể đưa mắt nhìn qua cửa sổ. Các em tập thể dục nhịp điệu trông đẹp lắm, em nào cũng đưa tay chân một cách thoải mái, thay đổi đột ngột theo điệu nhạc trông rất vui mắt, ăn khớp với từng điệu nhạc vang lên.

Như vậy, mục đích của thể dục nhịp điệu là rèn luyện thân và tâm ý thức về sự cân đối nhịp nhàng, do đó sẽ có được sự hòa hợp giữa tinh thần và thể xác, và cuối cùng là gợi lên trí tưởng tượng và phát triển khả năng sáng tạo.

Ngày đầu tiên Totto-chan đến trường, thấy tên trường ở trên cổng, cô bé hỏi mẹ “Tomoe nghĩa là gì?”

Tomoe là ‘lưỡng cực,’ một biểu tượng có hai hình kép và khi lấy biểu tượng này để đặt tên cho trường, thầy hiệu trưởng đã lấy biểu tượng của hai cực, một đen và một trắng và hợp lại thành một hình tròn.

Điều này tượng trưng cho mục đích của ông hướng về học sinh: làm cho cả thân và tâm phát triển đồng đều và tạo nên một thể hòa hợp hoàn chỉnh.

Thầy hiệu trưởng đưa thể dục nhịp điệu vào trong chương trình học của trường bởi vì thầy thấy rằng môn học này sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp và giúp cho nhân cách của học sinh phát triển tự nhiên, không có sự can thiệp quá nhiều của người lớn.

Thầy hiệu trưởng không hài lòng về hệ thống giáo dục hiện thời vì nó quá chú trọng đến việc học chữ. Điều này có khuynh hướng làm giảm đi sự cảm nhận tự nhiên và bản năng sáng tạo ở đứa trẻ đối với tiếng nói còn non nớt của Tạo hóa, vốn là nguồn cảm hứng vô tận của con người.

Đó là ý nghĩa bài thơ của Basho:

Nghe kìa một chú ếch
Nhảy vào trong thinh không
Từ một chiếc hồ xưa
Lắng lòng!

Hiện tượng có một con ếch nhảy xuống hồ ai mà không biết. Muôn thuở và ở khắp nơi. Watt và Newton không phải là những người duy nhất thấy được hơi nước bốc lên từ ấm nước sôi hay quan sát một quả táo rụng.

Có mắt nhưng không thấy được cái đẹp; có tai nhưng không nghe được tiếng nhạc; có óc nhưng không nhận ra được sự thật; có tim mà không biết xúc động và do đó, không làm được gì cả. Thầy hiệu trưởng nói, đó là những điều đáng sợ.

Với Totto-chan, khi cô bé chạy nhảy tung tăng với đôi chân trần giống như diễn viên múa ba lê nổi tiếng Isadora Duncan, cô bé vô cùng sung sướng và khó có thể tin rằng, đó là một phần của thời đi học.