“Có một toa tàu lửa mới sẽ về tối nay,” Miyo-chan nói trong giờ nghỉ sau bữa cơm trưa. Miyo-chan là bạn học cùng lớp với Totto-chan, con gái thứ ba của thầy hiệu trưởng.
Đã có sáu toa tàu nối đuôi nhau làm thành những phòng học, nhưng một toa tàu nữa sẽ được đem về, Miyo-chan bảo đó sẽ là toa tàu thư viện. Tất cả đám trẻ sôi nổi, hồi hộp vô cùng.
Một đứa nói: “Mình không hiểu nó sẽ đi bằng đường nào để về đến trường nhỉ.”
Đây là một vấn đề khó khăn. Tất cả đều im lặng trong giây lát.
Một đứa phát biểu: “Có thể nó đi dọc theo đường ray Oimachi rồi từ đó nó sẽ rẽ xuống đường này.”
“Thế thì nó có thể trật bánh,” một đứa khác lên tiếng.
“Có thể nó được đưa đến trên một chiếc xe,” một đứa nữa nói.
Có đứa phản đối ngay: “Không thể nào có chiếc xe lớn đến nỗi có thể chở một trong những toa tàu lửa này.”
“Mình thì không nghĩ…”
Không ai có thể đưa ra ý kiến gì thêm. Bọn trẻ đều biết rằng một toa tàu như thế không thể nào đặt vừa trên một chiếc xe, dù là xe tải.
“Đường ray,” sau khi suy đi nghĩ lại, Totto-chan nói. “Các bạn biết không, người ta có thể lắp những đường ray ngay tại đây, ở trong ngôi trường này!”
Một đứa hỏi: “Lắp từ đâu đến đâu?”
“Từ đâu à? Bây giờ người ta đặt toa tàu ở đâu thì lắp ở đó,” Totto-chan nói, bắt đầu thấy ra rằng, cuối cùng ý kiến của mình cũng chưa phải là ý kiến hay. Cô bé cũng không hề có ý niệm hiện tại toa tàu ấy nằm ở đâu. Do vậy, người ta không thể dời nhà cửa và mọi thứ đi để có thể lắp một đường ray thẳng từ đó đến trường được.
Sau một hồi thảo luận, hết ý kiến này đến ý kiến khác, nhưng cuối cùng không đưa đến kết quả thỏa mãn, bọn trẻ quyết định chiều nay không về nhà mà ở lại trường để xem toa tàu được đưa về trường như thế nào. Miyo-chan được đề cử đi xin ý kiến của ba cô bé, thầy hiệu trưởng, liệu chúng nó có được phép ở lại trường cho đến tối hay không. Một lát sau, cô bé trở về.
Cô bé nói “tàu sẽ được đưa về rất trễ, sau khi các đoàn tàu khác không chạy nữa. Bạn nào muốn xem tàu, trước hết phải về nhà xin phép Ba Mẹ. Sau khi ăn cơm tối xong, trở lại trường, nhớ đem theo bộ đồ ngủ và một cái mền.”
“Ô!” tụi trẻ phấn khởi hơn bao giờ hết.
“Thầy nói chúng mình đem theo đồ ngủ phải không?”
“Và mền nữa à?”
Buổi chiều hôm đó, không đứa nào có thể tập trung vào bài học. Khi tan trường, tất cả học sinh lớp Totto-chan chạy thẳng về nhà. Tất cả hy vọng sẽ có dịp may gặp lại đầy đủ tối hôm đó và có mang theo cả đồ ngủ và mền.
Khi vừa về đến nhà, Totto-chan nói với mẹ “Tàu sắp về. Tụi con không biết bằng cách nào người ta đem nó về được. Đồ ngủ và mền. Mẹ cho phép con đi nhé.”
Làm sao Mẹ có thể hiểu được vấn đề với cách giải thích như vậy? Mẹ Totto-chan không biết con mình muốn nói gì. Tuy nhiên, nhìn vào vẻ nghiêm túc hiện trên nét mặt cô bé, Mẹ đoán có điều gì đặc biệt đang diễn ra.
Mẹ hỏi Totto-chan vài điều và cuối cùng đã hiểu ra vấn đề và biết chính xác chuyện gì đang xảy ra. Mẹ nghĩ Totto-chan nên xem tàu về vì cô bé sẽ không có được nhiều dịp may như thế đâu và chính Mẹ cũng muốn xem tàu về như thế nào nữa mà.
Mẹ lấy ra bộ đồ ngủ và tấm mền cho Totto-chan và sau khi cơm tối xong, Mẹ đưa cô bé đến trường. Khoảng 10 học sinh đã có mặt tại trường. Ngay cả những học sinh lớn khi nghe sự kiện này cũng muốn đến xem. Có vài phụ huynh đưa con mình đến trường cũng đang có mặt. Dường như những phụ huynh này cũng muốn ở lại, nhưng sau khi đã tin tưởng vào sự chăm nom chu đáo của thầy hiệu trưởng, họ ra về.
“Thầy sẽ đánh thức các em dậy khi tàu đến,” thầy hiệu trưởng bảo bọn trẻ khi chúng quấn mền nằm trong hội trường.
Bọn trẻ tưởng chừng chúng không thể nào ngủ được vì cứ thắc mắc bằng cách nào tàu có thể được đưa về. Thế nhưng sau một hồi sôi nổi, chúng liền trở nên mệt và buồn ngủ. Hầu hết bọn trẻ đều ngủ thiếp đi trong nháy mắt mà chưa kịp dặn dò: “Nhớ đánh thức chúng em dậy nhé.”
“Tàu đến rồi! tàu đến rồi!”
Tiếng nói ồn ào làm cho Totto-chan tỉnh giấc. Cô bé bật dậy và chạy băng qua sân trường đến tận ngoài cổng. Một toa tàu lửa to lớn vừa thấp thoáng trong màn sương mù sớm mai. Giống như trong một giấc mơ, tàu chạy dọc theo đường không có thanh ray nên không gây ra tiếng động. Toa tàu được đặt trên một chiếc rơ-mooc lớn và móc vào một chiếc xe cẩu kéo từ ga Oimachi về. Totto-chan và bọn trẻ học được một điều mà chúng chưa từng biết, rằng có một loại xe gọi là xe cẩu có thể kéo theo một chiếc rơ-mooc lớn hơn cả nó. Chúng vô cùng thán phục.
Toa tàu di chuyển từ từ với chiếc rơ-mooc trên con đường vắng vẻ vào buổi sớm tinh mơ.
Chẳng mấy chốc, tiếng động dữ dội vang lên. Thời ấy chưa có những cần trục lớn, do đó, việc mang toa tàu ra khỏi chiếc rơ-mooc và đặt nó vào đúng nơi quy định trong sân trường là cả một vấn đề khó khăn. Nhiều người đàn ông đem những khúc gỗ lớn đặt dưới toa tàu và từ từ lăn nó từ chiếc rơ-mooc xuống sân trường.
“Hãy nhìn kỹ đi,” thầy hiệu trưởng nói, “những cái này gọi là những con lăn. Khi con lăn quay, sẽ tạo ra một lực làm cho toa tàu lớn di chuyển.”
Tụi trẻ nhìn chăm chú.
“Hò dô ta-hò, hò dô ta-hò,” những người công nhân cùng hè nhau làm việc vất vả và mặt trời dường như cũng ló lên vừa kịp lúc cùng nhịp với tiếng hò dô ta.
Cũng giống như sáu toa tàu đã có trước tại trường, toa tàu này, đã chuyên chở biết bao người rồi, bây giờ đến lượt nó được tháo bánh ra. Cuộc đời di chuyển đây đó giờ đã dừng. Từ đây, nó sẽ mang đầy tiếng cười trẻ thơ.
Dưới ánh nắng mặt trời ban mai, bọn trẻ, trai cũng như gái, trong những bộ đồ ngủ, không nén được niềm vui sướng, nhảy cẫng lên, đứa bá cổ, đứa đu lên tay thầy hiệu trưởng. Ngạc nhiên trước sự ‘tấn công’ dữ dội của bọn trẻ, thầy hiệu trưởng mỉm cười sung sướng. Thấy ông vui cười, cả bọn cũng cười theo.
Không đứa nào quên được chúng đã sung sướng như thế nào.
Đã có sáu toa tàu nối đuôi nhau làm thành những phòng học, nhưng một toa tàu nữa sẽ được đem về, Miyo-chan bảo đó sẽ là toa tàu thư viện. Tất cả đám trẻ sôi nổi, hồi hộp vô cùng.
Một đứa nói: “Mình không hiểu nó sẽ đi bằng đường nào để về đến trường nhỉ.”
Đây là một vấn đề khó khăn. Tất cả đều im lặng trong giây lát.
Một đứa phát biểu: “Có thể nó đi dọc theo đường ray Oimachi rồi từ đó nó sẽ rẽ xuống đường này.”
“Thế thì nó có thể trật bánh,” một đứa khác lên tiếng.
“Có thể nó được đưa đến trên một chiếc xe,” một đứa nữa nói.
Có đứa phản đối ngay: “Không thể nào có chiếc xe lớn đến nỗi có thể chở một trong những toa tàu lửa này.”
“Mình thì không nghĩ…”
Không ai có thể đưa ra ý kiến gì thêm. Bọn trẻ đều biết rằng một toa tàu như thế không thể nào đặt vừa trên một chiếc xe, dù là xe tải.
“Đường ray,” sau khi suy đi nghĩ lại, Totto-chan nói. “Các bạn biết không, người ta có thể lắp những đường ray ngay tại đây, ở trong ngôi trường này!”
Một đứa hỏi: “Lắp từ đâu đến đâu?”
“Từ đâu à? Bây giờ người ta đặt toa tàu ở đâu thì lắp ở đó,” Totto-chan nói, bắt đầu thấy ra rằng, cuối cùng ý kiến của mình cũng chưa phải là ý kiến hay. Cô bé cũng không hề có ý niệm hiện tại toa tàu ấy nằm ở đâu. Do vậy, người ta không thể dời nhà cửa và mọi thứ đi để có thể lắp một đường ray thẳng từ đó đến trường được.
Sau một hồi thảo luận, hết ý kiến này đến ý kiến khác, nhưng cuối cùng không đưa đến kết quả thỏa mãn, bọn trẻ quyết định chiều nay không về nhà mà ở lại trường để xem toa tàu được đưa về trường như thế nào. Miyo-chan được đề cử đi xin ý kiến của ba cô bé, thầy hiệu trưởng, liệu chúng nó có được phép ở lại trường cho đến tối hay không. Một lát sau, cô bé trở về.
Cô bé nói “tàu sẽ được đưa về rất trễ, sau khi các đoàn tàu khác không chạy nữa. Bạn nào muốn xem tàu, trước hết phải về nhà xin phép Ba Mẹ. Sau khi ăn cơm tối xong, trở lại trường, nhớ đem theo bộ đồ ngủ và một cái mền.”
“Ô!” tụi trẻ phấn khởi hơn bao giờ hết.
“Thầy nói chúng mình đem theo đồ ngủ phải không?”
“Và mền nữa à?”
Buổi chiều hôm đó, không đứa nào có thể tập trung vào bài học. Khi tan trường, tất cả học sinh lớp Totto-chan chạy thẳng về nhà. Tất cả hy vọng sẽ có dịp may gặp lại đầy đủ tối hôm đó và có mang theo cả đồ ngủ và mền.
Khi vừa về đến nhà, Totto-chan nói với mẹ “Tàu sắp về. Tụi con không biết bằng cách nào người ta đem nó về được. Đồ ngủ và mền. Mẹ cho phép con đi nhé.”
Làm sao Mẹ có thể hiểu được vấn đề với cách giải thích như vậy? Mẹ Totto-chan không biết con mình muốn nói gì. Tuy nhiên, nhìn vào vẻ nghiêm túc hiện trên nét mặt cô bé, Mẹ đoán có điều gì đặc biệt đang diễn ra.
Mẹ hỏi Totto-chan vài điều và cuối cùng đã hiểu ra vấn đề và biết chính xác chuyện gì đang xảy ra. Mẹ nghĩ Totto-chan nên xem tàu về vì cô bé sẽ không có được nhiều dịp may như thế đâu và chính Mẹ cũng muốn xem tàu về như thế nào nữa mà.
Mẹ lấy ra bộ đồ ngủ và tấm mền cho Totto-chan và sau khi cơm tối xong, Mẹ đưa cô bé đến trường. Khoảng 10 học sinh đã có mặt tại trường. Ngay cả những học sinh lớn khi nghe sự kiện này cũng muốn đến xem. Có vài phụ huynh đưa con mình đến trường cũng đang có mặt. Dường như những phụ huynh này cũng muốn ở lại, nhưng sau khi đã tin tưởng vào sự chăm nom chu đáo của thầy hiệu trưởng, họ ra về.
“Thầy sẽ đánh thức các em dậy khi tàu đến,” thầy hiệu trưởng bảo bọn trẻ khi chúng quấn mền nằm trong hội trường.
Bọn trẻ tưởng chừng chúng không thể nào ngủ được vì cứ thắc mắc bằng cách nào tàu có thể được đưa về. Thế nhưng sau một hồi sôi nổi, chúng liền trở nên mệt và buồn ngủ. Hầu hết bọn trẻ đều ngủ thiếp đi trong nháy mắt mà chưa kịp dặn dò: “Nhớ đánh thức chúng em dậy nhé.”
“Tàu đến rồi! tàu đến rồi!”
Tiếng nói ồn ào làm cho Totto-chan tỉnh giấc. Cô bé bật dậy và chạy băng qua sân trường đến tận ngoài cổng. Một toa tàu lửa to lớn vừa thấp thoáng trong màn sương mù sớm mai. Giống như trong một giấc mơ, tàu chạy dọc theo đường không có thanh ray nên không gây ra tiếng động. Toa tàu được đặt trên một chiếc rơ-mooc lớn và móc vào một chiếc xe cẩu kéo từ ga Oimachi về. Totto-chan và bọn trẻ học được một điều mà chúng chưa từng biết, rằng có một loại xe gọi là xe cẩu có thể kéo theo một chiếc rơ-mooc lớn hơn cả nó. Chúng vô cùng thán phục.
Toa tàu di chuyển từ từ với chiếc rơ-mooc trên con đường vắng vẻ vào buổi sớm tinh mơ.
Chẳng mấy chốc, tiếng động dữ dội vang lên. Thời ấy chưa có những cần trục lớn, do đó, việc mang toa tàu ra khỏi chiếc rơ-mooc và đặt nó vào đúng nơi quy định trong sân trường là cả một vấn đề khó khăn. Nhiều người đàn ông đem những khúc gỗ lớn đặt dưới toa tàu và từ từ lăn nó từ chiếc rơ-mooc xuống sân trường.
“Hãy nhìn kỹ đi,” thầy hiệu trưởng nói, “những cái này gọi là những con lăn. Khi con lăn quay, sẽ tạo ra một lực làm cho toa tàu lớn di chuyển.”
Tụi trẻ nhìn chăm chú.
“Hò dô ta-hò, hò dô ta-hò,” những người công nhân cùng hè nhau làm việc vất vả và mặt trời dường như cũng ló lên vừa kịp lúc cùng nhịp với tiếng hò dô ta.
Cũng giống như sáu toa tàu đã có trước tại trường, toa tàu này, đã chuyên chở biết bao người rồi, bây giờ đến lượt nó được tháo bánh ra. Cuộc đời di chuyển đây đó giờ đã dừng. Từ đây, nó sẽ mang đầy tiếng cười trẻ thơ.
Dưới ánh nắng mặt trời ban mai, bọn trẻ, trai cũng như gái, trong những bộ đồ ngủ, không nén được niềm vui sướng, nhảy cẫng lên, đứa bá cổ, đứa đu lên tay thầy hiệu trưởng. Ngạc nhiên trước sự ‘tấn công’ dữ dội của bọn trẻ, thầy hiệu trưởng mỉm cười sung sướng. Thấy ông vui cười, cả bọn cũng cười theo.
Không đứa nào quên được chúng đã sung sướng như thế nào.