Sunday, May 3, 2009

1. Ở NHÀ GA


Totto-chan và Mẹ rời tàu Oimachi tại nhà ga Jiyugaoka, mẹ nắm tay Totto-chan dắt qua cổng soát vé. Dường như cô bé chưa từng đi tàu nên ngập ngừng không muốn đưa chiếc vé ‘quý giá’ mà cô bé đang nắm chặt trong tay.

Totto-chan hỏi người soát vé: “Cháu có thể giữ chiếc vé này không?”

Người soát vé trả lời: “Không, không được đâu” - rồi lấy chiếc vé từ tay cô bé.

Totto-chan chỉ tay vào chiếc thùng đầy vé của người soát vé và hỏi: “Tất cả số vé này là của chú à?”

Người soát vé đáp: “Không, số vé này là của nhà ga” - người soát vé tiếp tục lấy vé của dòng người đang đi ra cửa.

“Ồ,” Totto-chan nhìn chằm chằm vào thùng vé một cách khát khao rồi nói tiếp: “Khi nào cháu lớn, cháu sẽ làm nhân viên soát vé tàu.”

Đến lúc này, người soát vé liếc nhìn cô bé rồi nói: “Thằng bé nhà chú cũng muốn làm việc ở nhà ga, cháu và nó có thể làm việc chung với nhau vậy.”

Totto-chan đứng sang một bên và đưa mắt nhìn người soát vé đầy thiện cảm. Ông có thân hình vạm vỡ, đeo kính và trông rất phúc hậu.

“Ừ,” Totto-chan chống nạnh và suy ngẫm cẩn thận ý kiến trên rồi nói: “Cháu không ngại gì khi làm việc chung với con chú. Thế nhưng để cháu suy nghĩ thêm. Bây giờ cháu bận rồi vì cháu đang trên đường đến trường mới.”

Totto-chan ùa chạy về phía trước, nơi mẹ cô bé đang đứng đợi, rồi reo lên: “Con sẽ làm người soát vé tàu.”

Mẹ không tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả, mà nói: “Mẹ tưởng con sẽ trở thành điệp viên chứ.”

Khi nắm tay Mẹ cùng đi, Totto-chan nhớ lại, cho đến ngày hôm qua đây, mình vẫn muốn sau này trở thành một điệp viên mà. Thế nhưng, thật là thú vị khi xử lý cả một thùng đầy vé tàu như thế.

“Đúng rồi,” một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu cô bé. Totto-chan nhìn mẹ rồi cố hết sức để nói thật lớn: “Người soát vé cũng giống như là điệp viên vậy, không biết con có làm được không?”

Mẹ không trả lời. Dưới chiếc mũ dạ có điểm vài chiếc hoa nhỏ, khuôn mặt dễ thương của Mẹ trông nghiêm nghị. Thật ra, Mẹ đang lo lắng. Điều gì sẽ xảy ra nếu Totto-chan không được chấp nhận vào ngôi trường mới? Mẹ nhìn Totto-chan đang nhảy chân sáo và nói chuyện một mình. Cô bé không hề biết Mẹ đang lo lắng. Khi bắt gặp ánh mặt Mẹ, Totto-chan vui vẻ nói: “Con lại đổi ý nữa rồi mẹ ạ. Con nghĩ là con sẽ tham gia vào một trong những ban nhạc đường phố và đi đây đó biểu diễn để quảng cáo cho các cửa hiệu mới khai trương.”

Mẹ thúc Totto-chan với một giọng nói đầy lo lắng: “Nhanh lên con, nếu không, chúng ta sẽ bị trễ đấy. Đừng để thầy hiệu trưởng phải đợi. Đừng trò chuyện nữa. Hãy nhìn phía trước và đi cho đàng hoàng đi con.”

Đằng trước, từ xa xa, chiếc cổng của một ngôi trường nhỏ dần dần hiện ra trong tầm mắt.

HỌC VỚI TOTTO-CHAN

Chiếc vé và tính hiếu kỳ

Đọc Totto-chan, mỗi người đều có cảm nhận khác nhau và mức độ đồng cảm với nhân vật trong các tình tiết cũng khác nhau. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm tuổi thơ cũng như khả năng thấu cảm với trẻ em của mỗi người. Hầu như mỗi một phần trong tập hồi ký đều có ít nhất một điều ngộ nghĩnh của nhân vật trẻ. Đồng thời, đi đôi với cái ngộ nghĩnh của nhân vật, luôn có một điều ‘ngộ nghĩnh’ của câu chuyện, hàm chứa một triết lý sống sâu sắc. Dường như điều này gợi cho người đọc luôn bắt gặp những câu hỏi “phải chăng?” trong các tình tiết.

Trong phần đầu của tập hồi ký - ở nhà ga - chiếc vé tàu thu hút sự chú ý của Totto-chan một cách thú vị. Tính hiếu kỳ của cô bé được thể hiện khá rõ qua ý muốn giữ lại chiếc vé trong tay và ước mong sở hữu cả thùng vé.

Thông thường tính hiếu kỳ của tuổi trẻ được người lớn nhận ra dễ dàng. Đôi lúc các em còn bị “chọc quê” vì tính hiếu kỳ đó nữa, nhất là những tình tiết quá ngờ nghệch tương tự như trường hợp của Totto-chan trong câu chuyện này. Tuy nhiên, ở đây, người lớn hầu như không hề tỏ ra để ý đến tính hiếu kỳ của cô bé, trong khi mạch chuyện cho chúng ta thấy chắc hẳn Mẹ và người soát vé nhận ra điều đó. Đây là cái ngộ nghĩnh của câu chuyện. Và thắc mắc đi đôi với cái ngộ nghĩnh này là phải chăng Mẹ Totto-chan và chú soát vé tảng lờ tính hiếu kỳ của trẻ thơ một cách có ý thức để nuôi dưỡng tính hiếu kỳ đó?

Biểu hiện của tính hiếu kỳ đôi khi làm cho tuổi trẻ trở nên ngờ nghệch, nhưng nhờ tính hiếu kỳ đó mà trẻ em học hỏi được nhiều điều hay trong cuộc sống. Tuổi thơ nhờ đó mà đẹp hơn! Vâng, đó là sự thật đối với mọi người trừ những ai không có tuổi thơ. Nhưng, phải chăng tính hiếu kỳ đó chỉ có ở trẻ thơ?

Một điều thú vị nữa là Totto-chan không chỉ hiếu kỳ mà còn hiếu động nữa. Mới thích làm điệp viên đó lại thích làm nhân viên soát vé. Khi ý tưởng làm nhân viên soát vé chưa kịp thành hình thì đã đổi ý gia nhập ban nhạc đường phố. Ước mơ và trí tưởng tượng của Totto-chan thật phong phú! Lại nữa, phải chăng, hiếu động ở trẻ thơ mới là điều ngộ nghĩnh?

Với tuổi thơ, cái gì cũng thật và đẹp, nhất là lời người lớn nói, cứ coi như đó là ‘chân lý’. Khi nghe chú soát vé nói “thằng bé nhà chú cũng muốn làm việc ở nhà ga”, thì Totto-chan đã liền nghĩ đến chuyện nên làm chung với thằng bé đó hay không rồi?

Với người lớn, biểu hiện tính hiếu kỳ của trẻ thơ thường bất chợt, không đâu vào đâu cả. Có thể vậy! Nhưng cái bất chợt đó có hoàn toàn ngớ ngẩn và vô nghĩa hay không? Nếu quan tâm đến, chúng ta sẽ xử trí thế nào? Trả lời cho qua chuyện để lớn lên các em tự hiểu lấy hay trả lời nghiêm túc như đang đối diện với người lớn? Liệu chúng ta có thấy được giá trị của tính hiếu kỳ đối với quá trình hình thành và phát triển tri thức cũng như nhân cách của trẻ hay không? Những câu trả lời cho các câu hỏi trên cho chúng ta biết phần nào quan điểm và phương pháp giáo dục trẻ của chúng ta vậy.

Cuối cùng, phải chăng ‘chiếc vé’ chỉ là chiếc vé, không biết câu hỏi này có ngớ ngẩn hay không?

Giác Kiến